'Không cần xin phép ai hết, tôi phạm tội vì con gái của tôi'
Các nhà hoạt động nữ quyền tại Mexico đã chiếm đóng một tòa nhà liên bang để yêu cầu giới chức nước này chấm dứt tình trạng bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ.
Năm 2020 đang trở thành năm đau thương nhất với phụ nữ Mexico, Washington Post miêu tả. Họ bị sàm sỡ trên tàu điện và bị đánh đập tại nhà riêng. Trẻ em gái bị lạm dụng trong trường học, điều tương tự xảy ra với phụ nữ trưởng thành ở công sở.
Nhiều người phụ nữ ở Mexico đã vùng lên đấu tranh để đòi quyền bình đẳng và bảo vệ sự an toàn của chính mình.
Trong hai tháng qua, họ đã chiếm tòa nhà của Hội đồng Nhân quyền liên bang ở Mexico City, treo áp phích ghi tên những người phụ nữ bị hiếp dâm hay bị sát hại. Giờ đây, các nhà hoạt động nữ quyền đã biến tòa nhà thành nơi trú ẩn cho hàng loạt phụ nữ và trẻ em gái không nơi nương tựa.
“Ở đây, bạn nhận ra rằng bạn không hề đơn độc, rằng tất cả phụ nữ đều phải chịu bạo lực về giới và không ai chăm sóc họ hết”, Cali, một cô gái 26 tuổi, chia sẻ với Washington Post. “Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy an toàn khi biết rằng đây là nơi mà phụ nữ có thể chăm sóc nhau”.
Trong năm 2019, giới chức Mexico đã ghi nhận 3.142 vụ sát hại phụ nữ và trẻ em gái vì mâu thuẫn liên quan đến giới. Các nhà hoạt động cho rằng thái độ thờ ơ của chính phủ, cộng đồng khu vực và các gia đình đều góp phần vào thực trạng này.
“Họ không hiểu vì sao người biểu tình tức giận, họ nói rằng đất nước vẫn ổn định về mọi mặt”, Doc, một người biểu tình 21 tuổi, cho biết. “Nhưng thật ra, tình hình đã trở nên rất tồi tệ”.
Khi phá hoại là một chiến thuật
Từ tháng 9, các nhà hoạt động bắt đầu chiếm đóng tòa nhà của Ủy ban Nhân quyền. Phong trào nữ quyền bùng nổ, kéo theo hàng loạt cuộc biểu tình ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Dù vậy, giới chức vẫn chưa có ý định đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của người biểu tình.
Tổng thống Mexico Manuel Lopez Obrador đã công khai phản đối những bất công với phụ nữ và trẻ em gái. Song ông cũng lên án tình trạng bạo lực trong phong trào biểu tình đề cao nữ quyền. Ông coi việc sơn lại các bức tượng hay phóng hỏa tài sản công là hành vi phá hoại.
Tổng thống Manuel Lopez Obrador, một người theo chủ nghĩa dân túy, nhận xét các nhà hoạt động nữ quyền đang “làm sai cách”.
“Không nghi ngờ gì nữa, phong trào nữ quyền xứng đáng được tôn trọng. Nhưng tôi không đồng ý với tình trạng bạo lực. Mục tiêu của chúng ta là đạt được hòa bình”, ông phát biểu trước báo giới hồi tháng 9.
Trong khi đó, các nhà hoạt động nữ quyền lý giải sự phá hoại chính là một chiến thuật. “Phụ nữ Mexico đã tổ chức biểu tình ôn hòa suốt nhiều năm. Họ đưa ảnh và nến đến đài tưởng niệm nhưng không ai quan tâm”, một sinh viên đại học 22 tuổi cho biết. “Phải đến khi tài sản công bị phá hủy, phong trào này mới được chú ý một chút”.
Năm 2016, con gái của bà Yesenia Zamudio bị đẩy ngã từ tầng 5 của một tòa nhà và tử vong. Trong các cuộc biểu tình, bà Zamudio có cơ hội bày tỏ sự giận dữ. “Tôi có đủ mọi quyền để phóng hỏa và đập phá”, bà tuyên bố. “Không cần xin phép ai hết, tôi phạm tội vì con gái của tôi”.
Động lực để đấu tranh
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ trong năm 2020, gần 80% phụ nữ Mexico cảm thấy không an toàn khi sống tại đất nước của mình. Dù vậy, chỉ có 10% tội phạm hình sự bị kết án tù và con số còn thấp hơn nếu nạn nhân là phụ nữ. Các nhóm nhân quyền ước tính Mexico chỉ bắt giam khoảng 2% những người bị buộc tội hiếp dâm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng một nửa phụ nữ Mexico từng bị bạn tình bạo hành tình dục. Trong đó, có nhiều người còn bị hành hung, đánh đập nghiêm trọng.
Bà Yaderi, 36 tuổi, đang là nhân viên bán tạp hóa tại bang Mexico. Bà cho biết mình bị tấn công tình dục 6 lần trong đời, lần đầu vào năm 7 tuổi và lần gần nhất cách đây 6 năm. Đến khi có con gái, Yaderi mới cảm thấy bà phải tham gia phong trào nữ quyền.
Hai năm trước, con gái của Yaderi khóc nức nở khi đi học về. Cô bé nói mình bị một người đàn ông đụng chạm vào cơ thể. “Tôi đã dạy các con rằng cơ thể là của riêng chúng. Nhưng tôi đang sống ở một đất nước mà điều này không dành cho phụ nữ và trẻ em gái”, bà Yaderi cay đắng nói. “Quá đủ rồi”.
Sau sự việc, bà Yaderi quyết định tham gia Ni Una Menos, phong trào chống bạo lực với phụ nữ ở khu vực Mỹ Latin.
Bà Angelica Nadurille của Tổ chức Bình đẳng Giới cho biết: “Những người tham gia phong trào nữ quyền đều quen biết một phụ nữ nào đó bị sát hại hoặc mất tích. Họ tức giận vì chính phủ không có ý định giải quyết việc này”. Cũng theo bà Nadurille, sự tức giận là có lý do vì “chính phủ là một phần của vấn đề khi liên tục nhắm mắt làm ngơ”.
Trong khi đó, Tổng thống Manuel Lopez Obrador cáo buộc các đối thủ chính trị đang sử dụng phong trào nữ quyền để phá hoại chính quyền của ông. Ông phản đối nạn bạo lực với phụ nữ, song cũng cắt giảm tài trợ cho Viện Phụ nữ Quốc gia và đe dọa rút tài trợ chính phủ cho các tổ chức phi lợi nhuận.