Không chạy theo phong trào

Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao ĐTTM ASEAN năm 2020, chiều 22-10.

Người đứng đầu Chính phủ khuyến nghị như vậy bởi "Việt Nam xác định phát triển ĐTTM, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia", mà rõ ràng là nếu làm theo phong trào, cho có thì không thể nào đạt được mục đích nói trên.

Năm ngoái, tại hội thảo "Xây dựng ĐTTM trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia" diễn ra chiều 2-10 ở Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá thẳng thắn:

"... Các địa phương trong quá trình xây dựng ĐTTM cần có nhận thức đúng về ĐTTM, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công ĐTTM tại địa phương, hết sức tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào".

Khi bộ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin lưu ý như vậy tức là từ cơ sở đã có hiện tượng chạy theo phong trào. Không riêng ĐTTM, nhiều lĩnh vực/ chương trình/ hoạt động khác cũng luôn cần cảnh báo, nhắc nhở kịp thời, đúng mức hiện tượng nói trên. Thực tế cho thấy đã có nhiều bài học đắng chát, có khi phải trả giá rất đắt, vì chạy theo phong trào.

Ngành nông nghiệp từ hơn 15-20 năm trước hồ hởi với các phong trào "Mỗi tỉnh một nhà máy đường", "Trồng cây gì, nuôi con gì?", "Đánh bắt xa bờ" bao nhiêu thì sau đó đã phải vất vả giải quyết hậu quả bấy nhiêu. Mấy năm gần đây, nông dân vẫn còn sa vào nuôi trồng theo phong trào, thấy nhà này được mùa được giá thì nhiều nhà khác làm theo, không lường trước nhu cầu tiêu thụ, để rồi phải nhờ giải cứu liên tục, nào dưa hấu, thanh long, vải, chuối... - toàn những loại trái cây ngon và chủ lực của Việt Nam cả. Từ đó thêm một lần nữa chứng minh: Nếu làm theo phong trào thì không thể tạo lập được nền tảng phát triển bền vững.

Vì sao chạy theo phong trào?

Trước tiên là vì thành tích. Như là ngành giáo dục với phong trào "hai không" (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), phát động từ năm 2006 - không cần dẫn chứng, những ai quan tâm thời sự giáo dục đều biết đến nay tiêu cực trong thi cử còn hay hết, bệnh thành tích thuyên giảm hay trở nặng?! Như là phong trào khu phố văn hóa, gia đình văn hóa (tại một số thành phố lớn) - ở nhiều nơi treo biển "Khu phố văn hóa" rõ to nhưng ngay dưới tấm biển ấy là con nghiện ngồi chích xì ke, hít ma túy, cùng với đó là rác thải và phóng uế.

Ngoài ra còn vì háo danh. Ví dụ, trong hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Trung đang diễn ra, vẫn không thiếu biểu hiện của phong trào khi có không ít nhóm về tận nơi chỉ để livestream, thu thập dữ kiện sản xuất clip phát trên kênh cá nhân nhằm đánh bóng hình ảnh, kiếm lợi riêng. Những chiêu trò này trái ngược hoàn toàn với hoạt động thiện nguyện bằng cái tâm và tất nhiên bị lên án.

Làm theo phong trào thường nặng về hình thức, "rỗng ruột", dễ chết yểu, hậu quả là tốn kém ngân sách và nhiều nguồn lực xã hội khác.

A.Q

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-chay-theo-phong-trao-20201027224637385.htm