Khống chế mối nguy tiềm ẩn
Những ngày gần đây, tại các công sở hay khu vực công cộng, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng húng hắng ho; thậm chí nhiều người có dấu hiệu cảm, sốt, ngạt mũi… nhưng tuyệt nhiên, không còn ai nghĩ đến xét nghiệm, test nhanh và bàng quan với dịch Covid-19.
Họ tặc lưỡi mặc kệ, có mắc Covid-19 thì bệnh cũng sẽ tự khỏi khi trong cơ thể đã có “kim bài” mang tên vaccine. Trong khi, tại nhiều nước trên thế giới, tiếp tục xảy ra các làn sóng dịch Covid-19 do các biến thể mới gây ra. Điều này cảnh báo chúng ta không được phép chủ quan, lơ là; nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TPHCM. Đây được xem là biến thể phức tạp có khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của chủng Omicron.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3,3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác. Biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10-2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra. Biến thể này là dòng phụ lây lan nhanh nhất từng được phát hiện tại 28 quốc gia và dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới.
Các chủng virus SAR-CoV-2 biến đổi nhanh chóng, thách thức các nỗ lực của giới khoa học toàn cầu trong việc nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine hiệu quả. Tại Việt Nam, ngành y tế dự báo, thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 sẽ gia tăng nhanh do các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng chống dịch của một số quốc gia trên thế giới.
Nhiều người chưa quên quá khứ đau buồn năm 2021, Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới trải qua thời kỳ đầy đau thương khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, khi mọi người đang náo nức đón tết, vui xuân thì 2 ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại TPHCM từ 2 cha con người Vũ Hán (Trung Quốc) khiến hệ thống y tế Việt Nam bắt đầu những chuỗi ngày căng thẳng. Cho dù, trước đó đã có nhiều cảnh báo về loại dịch bệnh nguy hiểm này nhưng không ai nghĩ đến cảnh mọi hoạt động đời sống bị xáo trộn, cả nước phải giãn cách xã hội... Thời điểm này cũng vậy, khi nhu cầu đi lại, nhu cầu đoàn viên dịp tết đang đến gần có thể thúc đẩy làn sóng lây nhiễm.
Để đối phó với làn sóng dịch Covid-19 mới, ngoài việc khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine bổ sung, thì kiểm soát dòng người nhập cảnh là biện pháp mà nhiều nước bắt đầu áp dụng. Bộ Y tế đã có các buổi thực địa kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cửa khẩu khi Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch. Chúng ta đã bước sang một thời kỳ mới sau 3 năm sống trong sự ám ảnh của đại dịch Covid-19. Chúng ta không thể sợ hãi nhưng cũng không thể lơ là và cần thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Chỉ cần lơ là, chủ quan thì đốm lửa nhỏ của dịch bệnh sẽ dễ dàng bùng phát thành đám cháy lớn. Bài học cách đây hai năm vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-che-moi-nguy-tiem-an-post675277.html