Không chỉ là chế tài
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chiều 11-11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới giải pháp căn cơ để quản lý thực trạng thực phẩm chức năng (TPCN) giả, kém chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm vẫn bày bán tràn lan trên thị trường, khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc.
Đại biểu lo lắng, bức xúc không phải không có căn cứ, bởi thời gian qua, tình trạng TPCN giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng đáng báo động, xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Hiện nay, TPCN không còn sản xuất thủ công nhỏ lẻ, manh mún mà đã thành quy mô công nghiệp. Thậm chí, TPCN giả không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài, đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
Thực tế cũng cho thấy, tình trạng sản xuất và phân phối sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Trong đó, nguyên nhân chính là do tình trạng quảng cáo TPCN quá mức, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để tiếp thị gây nhiễu loạn thông tin trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội; nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận mà thổi phồng công dụng, cho thêm chất cấm, chất độc hại vào sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng... Vì coi TPCN như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng, tiền mất tật mang.
Lý giải liên quan nội dung này tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TPCN đến nay cơ bản đáp ứng. Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến TPCN… Đối với xử phạt hành chính, mức phạt có thể lên tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; với xử lý hình sự, mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù. Bộ Y tế còn phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý các website bán hàng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quảng cáo, để có giải pháp chấn chỉnh đối với từng vi phạm…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, thời gian qua vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, bởi sản xuất TPCN, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao khi họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người sử dụng, thổi phồng các giá trị của sản phẩm để thu lợi… Thêm vào đó, vấn đề bất cập hiện nay do liên quan đến quảng cáo trên các trang mạng xã hội có đặt máy chủ ở nước ngoài, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm.
Thực tế nêu trên đòi hỏi, để ngăn chặn tình trạng buôn bán TPCN giả, kém chất lượng, giải pháp ưu tiên hàng đầu là các bộ, ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm trong hoạt động chống TPCN giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng. Đồng thời phải đưa ra được các giải pháp quản lý quảng cáo sản phẩm đúng quy định, tránh việc người dân hiểu nhầm TPCN giống thuốc chữa bệnh.
Song song đó, người tiêu dùng phải là những nhà thông thái khi lựa chọn sử dụng TPCN, không tự ý mua TPCN không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu, chạy theo thị hiếu của các hội, nhóm trên mạng. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN, người tiêu dùng phát hiện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh ngay đến cơ quan quản lý thị trường hoặc ngành chức năng để xử lý kịp thời…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/165238/khong-chi-la-che-tai