Không chỉ là một danh xưng
Những ngày qua, các địa phương trong cả nước đang khẩn trương công bố dự kiến các phương án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo lộ trình, để lấy ý kiến Nhân dân. Trong đó, cùng với số lượng cấp xã mới dự kiến hình thành sau sắp xếp, tên gọi của các đơn vị hành chính cơ sở mới cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Bởi có lẽ, không chỉ là một danh xưng, tên cấp xã mới còn chạm đến yếu tố bản sắc, sự gắn bó cộng đồng và sẽ trở thành khởi đầu đánh dấu bước phát triển trên lộ trình mới, đặc biệt với những người gắn bó với địa bàn đó.
Với bất cứ ai, cái tên địa bàn nơi mình sinh ra, lớn lên hoặc sinh sống, làm việc, mà gần nhất là cấp xã luôn vô cùng quan trọng, bởi đó không chỉ là một ký hiệu mang tính hành chính, mà còn là sự gắn bó, những ký ức, kỷ niệm, niềm tự hào cụ thể. Chính vì vậy, những mối quan tâm sâu sắc khi một địa danh quen thuộc được giữ nguyên hoặc có thể bị thay đổi tên gọi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Với những lần sắp xếp cấp xã đã từng thực hiện, việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới cũng có rất nhiều cách, nhiều nơi thường lấy một chữ ở tên xã này ghép với một chữ ở tên xã kia sao cho phù hợp hoặc ghép cả hai tên lại, hoặc chọn địa danh cũ hơn, quen thuộc hơn… Nhưng với lần này, quy mô và tính chất của việc sắp xếp đã khác, không chỉ đơn thuần là ghép xã, mà là một “cuộc cách mạng” trong tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, để tạo ra một không gian phát triển mới khi không còn cấp huyện. Bởi thế, tên phường, xã mới sẽ được đặt như thế nào càng được người dân quan tâm, chờ đợi.
Tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, đã đưa ra những định hướng để các địa phương nghiên cứu. Theo đó, tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin...
Dựa trên những định hướng này và thực tế, những tên gọi của cấp xã mới sẽ hình thành sau sắp xếp đã được đưa ra. Qua thông tin có thể thấy, cơ bản các tên gọi đều được nghiên cứu, cân nhắc, để không chỉ bảo đảm thuận tiện cho giao dịch hành chính, sinh hoạt thường nhật của người dân, mà còn cố gắng để lưu giữ được các yếu tố truyền thống, lịch sử và văn hóa địa phương; giữ được các tên cấp huyện và tên địa danh đã trở thành “thương hiệu”… Kèm theo mỗi tên gọi là một thuyết minh cụ thể về các yếu tố như lịch sử, văn hóa, xã hội… nên nhiều địa bàn khi đưa ra lấy ý kiến người dân, đã dễ dàng nhận được sự đồng thuận.
Sau đợt sắp xếp lớn các đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước, một loạt địa phương sẽ mang những tên gọi hoàn toàn mới. Bởi thế, một cái tên hợp lý, có sự hài hòa giữa tính pháp lý, rõ ràng và yếu tố tâm lý, tạo cảm giác thân thuộc, tự hào cho người dân vô cùng quan trọng. Do đó, rất cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, linh hoạt trong cách đặt tên để bảo đảm hài hòa lợi ích và bản sắc của từng vùng, từng cộng đồng. Điều quan trọng nhất trong quá trình này vẫn là đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy ý kiến rộng rãi và lắng nghe ý kiến người dân một cách thực chất, tránh hình thức, để không chỉ tạo ra sự đồng thuận, mà còn tìm ra những cái tên thực sự có sức sống và trở thành động lực phát triển mới của địa bàn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-chi-la-mot-danh-xung.680077.html