Không chỉ là thành tích

Giờ phút này, không khí của Sea Games 31 đã tràn ngập khắp phố phường, ngõ xóm bằng những trận đấu, bằng những tin vui với các tấm huy chương. Phải mất 19 năm (kể từ 2003), chúng ta mới lại được tận hưởng bầu không khí này.

19 năm là khoảng thời gian dài đủ để thể thao nước nhà nâng lên một tầm cao mới, cùng với đó là sự thay đổi về nhận thức của người hâm mộ theo hướng tiến bộ, tích cực hơn. Với tốc độ phát triển mau lẹ của cuộc sống số, nhận thức về giá trị thể thao của chúng ta ngày nay cũng thay đổi. Không chỉ đơn thuần là vàng, bạc, đồng mà có cả những sắc màu văn hóa mới hiện lên từ những tấm huy chương ấy. Phải chăng, còn có những điều đáng suy ngẫm phía sau chiến thắng?

Tác phẩm Untitled của Cy Twombly với những nét vẽ nguệch ngoạc.

Thật sự người viết không hề bất ngờ khi trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện những luồng thông tin kiểu "anti Seagames", như: "hội ao làng", "nước nào đăng cai nước ấy đứng đầu"… Có lẽ bao giờ cũng thế, chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu: sau một trận đấu, một cuộc đọ sức, dù có thất bại hay thành công thì với các vận động viên (VĐV) vẫn là khuôn mặt đẫm mồ hôi và có cả những giọt nước mắt. Thể thao chân chính bao giờ cũng là sự cao cả; chiến thắng cái ác, cái xấu và đề cao những giá trị tốt đẹp.

Ít hôm trước, trên mạng xã hội xôn xào bàn tán về một luận án tiến sĩ với đề tài: "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La". Nhiều facebooker còn chế thêm các đề tài như luận án về bóng bàn, đá cầu, thậm chí cả đề tài về cách luộc rau, luộc trứng… Công bằng mà nói, trên thế giới đã có cả một nền khoa học về thể thao với nội hàm là các lĩnh vực: Sinh lý học thể thao (exercise physiology); Tâm lí thể thao (sport psychology); Giải phẫu học (anatomy); Chuyển động học (movement science - biomechanics); Sinh hóa học (biochemistry)… Hơn nữa, trong số chúng ta hẳn cũng ít người được tường tận nội dung luận án viết về phát triển môn cầu lông đó như thế nào, nó có đóng góp về mặt khoa học đến đâu? Có xứng đáng là một công trình nghiên cứu khoa học đủ để mang lại học vị tiến sĩ cho người thực hiện hay không? Nhưng tại sao, lại có sự phán ứng dữ dội từ mạng xã hội như thế?

Tấm hình xúc động được Tô Thị Trang chia sẻ trên trang cá nhân của cô.

Khi ngọn đuốc khai mạc Sea Games 31 còn chưa được thắp lên trên khán đài Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đã có nhiều VĐV đem về những tấm huy chương cho nước nhà. Nhưng, đằng sau thành tích là cả những nỗi niềm mà chắc hẳn ai trong số chúng ta khi biết được cũng không thể cầm được nước mắt. Cô gái trẻ Tô Thị Trang, VĐV môn Kurash (hạng cân dưới 48 kg), sau khi giành được tấm huy chương Vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam đã đến thẳng bệnh viện để dành tặng cho bố niềm vui ấy nhưng không kịp. Người cha mang bệnh hiểm nghèo của cô đã qua đời trước đó. Hình ảnh tấm huy chương Vàng mà Tô Thị Trang đặt bên bàn tay người cha vừa mất mang giá trị vượt qua mọi thành tích, mọi sự ngợi ca, tung hô thông thường. Phải chăng, khi người ta đang bàn về giá trị trong việc nghiên cứu về thể thao thì tự thân thể thao đã làm nên giá trị của mình. Tô Thị Trang, Kurash và thể thao (nói chung) đang đánh thức lương tri con người…

Đọc lướt qua một trang báo, tôi nhớ đến bức vẽ "Untitled" (1955) của họa sỹ Cy Twombly, được bán ở mức 21 triệu USD trong phiên "The Collection of Thomas and Doris Ammann Evening Sale" của Christie's tại Manhattan, New York, tối 9/5. Điều đặc biệt ở chỗ đây là bức vẽ "sử dụng chất liệu sơn gốc dầu, bút chì, sáp màu trên vải, vẽ nguệch ngoạc những đường nét mờ nhạt không cố định". Năm 1957, người họa sĩ này lý giải về phong cách sáng tác của mình: "Đó là bản năng của một họa sĩ, không giống như bạn đang vẽ đồ vật hay một thứ gì đặc biệt. Mọi thứ đi qua hệ thần kinh và điều khiển bàn tay tôi. Nó giống như tôi đang có một trải nghiệm hơn là vẽ một bức tranh". Vì sao một sự đơn giản lại có giá trị đến thế? Liệu đó có phải là nghèo nàn hay đỉnh cao của sáng tạo?

Trong khi đó, có nhiều công trình nghiên cứu, không ít tác phẩm và nhiều thành tích khác sớm bị người ta quên lãng. Tất cả khác biệt ở giá trị thực được định danh bằng văn hóa. Người viết cho rằng cần có một quan điểm nhìn nhận, một kiểu văn hóa về thành tích trong suy nghĩ của từng con người hôm nay.

Sao la - linh vật mang nhiều ý nghĩa nhân văn của Sea Games 31.

Nhớ lại các cuộc thi đấu thể thao đầu tiên thời Hy Lạp cổ đại từ năm 776 TCN chính là ngọn lửa đầu tiên nhen nhóm lên những đại hội thể thao sau này. Có thể nhiều người không biết rằng, trong giai đoạn từ 1912 đến 1948, Olympic còn là cuộc tranh tài của các nghệ sĩ (họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà văn và nhạc sĩ) trên các sân chơi nghệ thuật của họ. Còn nhớ "tại Thế vận hội Berlin 1936, hai vận động viên nhảy sào người Nhật cùng giành được vị trí thứ hai. Thay vì thi đấu một lần nữa họ đã cắt hai huy chương bạc và đồng thành hai nửa và nối hai nửa khác nhau vào để mỗi người đều có một chiếc huy chương nửa bạc nửa đồng"… Nhân loại từng có một truyền thống nhìn nhận ở thành tích, ứng xử với thành tích, biến thành tích thành giá trị và động lực. Không phải lúc nào chiến thắng trong các cuộc đối đầu, giành giật danh hiệu mới là sự chiến thắng. Chiến thắng chính mình, được thể hiện khả năng của mình chính là một thành tích đúng nghĩa…

Chắc hẳn, không riêng gì bạn bè quốc tế mà không ít người Việt Nam cũng sẽ bất ngờ và lạ lẫm với linh vật sao la - "kì lân châu Á" tại kì Sea Games này. Sao la được phiên âm ra từ tiếng Thái và tiếng Lào, có nghĩa là "cặp sừng thẳng vút". Kể từ tháng 5 năm 1992, khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra các "cặp sừng thon, dài" của sao la được phát hiện tại nhà dân ở xã Hương Quang, huyện Hương Khê (nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh và thành lập Trạm nghiên cứu sao la (1992-1997), chỉ 3 lần hiếm hoi chúng ta được nhìn thấy hình ảnh sinh vật quý hiếm này.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang: "Sao la là một loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới, chỉ tồn tại ở vùng rừng núi hoang sơ nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Lào". Người viết cho rằng, chính sự quý hiếm đó cũng là một phần tạo nên sức hút của kì đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á này. Sao la là linh vật, biểu tượng nhưng cũng là loài sinh vật quý hiếm, dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn săn bắt, về thói quen tàn phá môi trường sống và phá vỡ cân bằng sinh thái…

Khi người viết đang nhắc đến những câu chuyện vừa kể cũng là lúc các VĐV của 11 quốc gia đang tranh tài để mang về những tấm huy chương có in hình chú sao la. Sẽ có những niềm vui, những sự tiếc nuối và cả những băn khoăn, lo lắng cho những kỉ lục của thể thao khu vực này. Nhưng, đằng sau tất cả những thứ đó là một tấm huy chương cao quý nhất mà các VĐV đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, tâm huyết, bằng những sự hy sinh riêng. Sẽ có cả những câu chuyện cảm động được các nhà báo ghi lại, sẽ có những tác phẩm ra đời mang âm hưởng vinh quang chiến thắng. Và, chúng ta nhận ra những điều lớn lao, ý nghĩa toát lên từ các cuộc thi tài, tất cả mọi thành tích đều hướng về cái đích: Để con người sống tốt đẹp hơn. Không có thứ thành tích nào đáng giá hơn là sự thay đổi quan niệm sống, thói quen sống để hướng đến những gì văn minh nhất…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khong-chi-la-thanh-tich-i654088/