Không chỉ là tội làm hàng giả
Đang ăn cơm tối, nghe ti vi phát tin bắt nhóm đối tượng sản xuất sữa giả với số lượng khủng lên tới gần 600 nhãn hàng, tôi suýt đường rớt đũa. Đặt chén cơm xuống, tôi chống đũa bần thần hồi lâu. Sao lại có bọn người ác đến thế, bất lương đến thế tồn tại trên cõi đời này? Bưng chén cố và nốt số cơm còn lại, nhưng ăn mà sao cứ như nhai rơm nhai cỏ, nghẹn ứ trong cổ họng...
Những ngày sau đó, chuyện sữa giả trở thành đề tài “hot”. Đi đến đâu, ngồi chỗ nào cũng nghe người ta đề cập, người ta chửi rủa bè lũ làm ăn bất lương, phè phỡn trên mồ hôi, trên tính mạng của đồng loại, bất kể người già, trẻ em, người ốm đau nhất sinh thập tử. Chị bạn tôi vừa mất mẹ năm ngoái, chị nói trong ngân ngấn nước mắt của uất ức, và của cả ân hận, dù chẳng phải là lỗi của chị: “Mẹ của mình già yếu, đau ốm lâu ngày, vợ chồng mình cũng chẳng phải giàu có gì, nhưng nghe có sữa tốt, sữa bổ cho người già, người ốm là cố mua để bồi dưỡng cho mẹ. Hộp sữa có khi hơn triệu bạc chứ đâu phải ít, nhưng thương mẹ, chấp nhận bớt ăn bớt tiêu để mà phụng dưỡng. Nghe quảng cáo trong sữa có tổ yến, có đông trùng hạ thảo, có chất nọ chất kia rất tốt cho người bệnh, người lớn tuổi… nên cứ ráng mua, ráng dỗ cho mẹ uống. Ai dè… Bây giờ thì mẹ đã qua đời, mình ân hận với mẹ chừng nào thì càng căm hận bọn lừa đảo chừng ấy…”.
Rồi chị quay qua trách các cơ quan có trách nhiệm cấp phép, quản lý. “Thoáng gì thì thoáng, tạo điều kiện gì thì tạo, nhưng phải quản lý, phải kiểm tra, phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ. Người em của mình mở cái quầy rượu nho nhỏ, nhưng quản lý thị trường ghé thăm mãi. Chỉ cần một chai không có dán tem thôi, là phiền. Đây cả một hệ thống công ty, cửa hàng, sản phẩm bán phải kể đến hàng triệu lon, nhãn hiệu thì hàng trăm loại, hoạt động ngang nhiên nhiều năm trước con mắt của các cơ quan chức năng, mà không có gì xảy ra cả. Sao kỳ lạ vậy?!” - Chị hỏi một hồi thiếu đường không cho tôi kịp thở.
Tôi hiểu và rất đồng cảm. Vì tôi cũng như chị, hàng tháng từng chọn mua sữa cho mẹ dùng. Mẹ tôi bị tiểu đường, cho nên sữa phải đúng loại dành cho người tiểu đường, giá cũng không hề rẻ. Bây giờ thì mẹ tôi đã khuất núi, nhớ mẹ, và chỉ biết hy vọng những hộp sữa mình mua cho mẹ không bị dính sữa dổm. Hy vọng thôi, nhưng khi đọc những dòng tin được các báo dẫn từ cơ quan điều tra: “Đến ngày 11/4, thời điểm bị bắt, đường dây của Công ty Rance Pharma, Hacofood… đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Từ năm 2021 đến nay, chúng đã tiêu thụ ra thị trường, thu về gần 500 tỉ đồng...”, thì hy vọng của tôi nghe sao mà mong manh quá…
Những kẻ làm ăn táng tận lương tâm trong đường dây làm sữa giả đang lần lượt tra tay vào còng. Và có lẽ cũng như tôi, mọi người đang dõi theo, đang mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật làm quyết liệt, làm mạnh tay, bóc gỡ triệt để, không bỏ lọt, không bỏ sót bất kỳ một kẻ nào có liên quan, từ sản xuất, tiêu thụ, cho đến quản lý, quảng cáo… cho dù chúng có là ai! Phải bắt những kẻ thủ ác phải đền tội trước công lý, không chỉ là tội làm hàng giả đơn thuần, mà còn là tội cố tình gây tổn hại, đe dọa tính mạng và sức khỏe người khác một cách có hệ thống, có tổ chức, với một động cơ đê hèn. Phải như thế mới thỏa lòng công chúng, mới đủ sức răn đe nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên, văn minh cho cộng đồng xã hội.