Không chỉ mắc Covid-19, cả gia đình khổ sở vì 'một nhà 3 bệnh'
6/8 người trong nhà cùng lúc mắc Covid-19, cúm, thủy đậu khiến chị Hoài Anh (Hà Nội) phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc. Riêng với mẹ chị, ám ảnh hậu Covid-19 của 2 lần mắc trước khiến bà lo lắng.
Đầu tháng 4, sau buổi đến trường, con trai chị Hoài Anh (Hà Đông, Hà Nội) than mệt, mỏi tay chân. Buổi tối, cậu bé học lớp 3 sốt 39 độ C, li bì nguyên đêm. Quyết định cho con nghỉ học hôm sau, chị liên hệ với cô giáo, được biết lớp có tới 10 bạn lần lượt nghỉ cả tuần nay.
6 trong 8 thành viên gia đình chị Hoài Anh cùng lúc có dấu hiệu sốt cao, mỏi người.
"Trong nhà có bao nhiêu loại test nhanh đem ra dùng hết, kết quả mỗi người một bệnh, không biết ai lây của ai, lây ở đâu. Mẹ và chị tôi test ra Covid-19, tức là lần thứ 3 bị dù đã tiêm 3 mũi vắc xin; 3 bé nhỏ bị cúm. Bé còn lại sau vài ngày lên nốt thủy đậu", chị chia sẻ.
Chưa có biểu hiện ốm, chị Hoài Anh phải xin nghỉ làm vài ngày, ở nhà chăm con, chăm mẹ.
"May mắn, chưa ai phải đi viện. Lo nhất là mẹ tôi năm nay 70 tuổi có bệnh nền tự miễn. Hai lần trước mắc Covid-19, bà rất mệt mỏi, lần đầu tiên còn bị mất mùi, mất vị, chưa kể biến chứng hậu Covid-19 làm bà mất ngủ, ho lâu khiến cả gia đình ám ảnh", chị kể.
Cũng trong cảnh "một nhà ba bệnh", anh Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) phải xin làm trực tuyến tại nhà. "Vợ mắc Covid-19 lây từ con gái lớn, tôi bị cúm. Ai cũng sốt cao, ho nhiều, đau đầu khó ngủ, người nhức mỏi, gia đình buộc phải gửi con trai út mới 1 tuổi vừa dứt đợt điều trị virus hợp bào hô hấp (RSV) sang bà ngoại ở gần đó tránh để bé lây bệnh và có người chăm sóc", anh chia sẻ.
Nồm ẩm, chuyển mùa, bệnh chồng bệnh
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết, thành phố đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân sang hè, nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa hay virus có xu hướng gia tăng.
"Số ca Covid-19 gia tăng so với tháng 1-2 nhưng vẫn ở mức thấp so với các dịch bệnh khác trong giai đoạn chuyển mùa. Toàn thành phố hiện ghi nhận 240 ca Covid-19, trong đó 124 ca đang điều trị tại cơ sở y tế đều nhẹ, 116 ca theo dõi tại nhà", ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, Hà Nội cũng ghi nhận sự gia tăng của bệnh truyền nhiễm. Từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 1.000 ca mắc thủy đậu. Không ít khoa Nhi tại một số viện như Thanh Nhàn, Hà Đông, kín giường vì bệnh nhân RSV. Trong khi lượng bệnh nhân mắc hen phế quản nhập viện vào Bệnh viện Nhi Trung ương tăng tới 50%, lượng bệnh nhân tay chân miệng cũng gia tăng.
Tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội, số người bệnh đến khám có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 có xu hướng tăng lên từ đầu tháng 4 đến nay.
Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Học, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết khoa ghi nhận hơn 70 ca trong 12 ngày đầu tháng 4 (trong đó 25% số ca phải nhập viện), trong khi trung bình 3 tháng trước chỉ 10 ca/tháng. Riêng buổi sáng ngày 13/4 có đến 17 trường hợp.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết dù lượng bệnh nhân Covid-19 có tăng nhưng số ca nặng không tăng. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, đái tháo đường, đột quỵ, hầu hết không phải can thiệp thở oxy.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, tháng 3 chỉ ghi nhận 25 bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, 10 ngày đầu tháng 4 đã có 75 người vào viện, tăng gấp 3 lần. Ngày 12/4 có 11 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện này, 6 ca phải thở oxy, 1 bệnh nhân nặng ở ngoại tỉnh. Hầu hết, bệnh nhân mắc Covid-19 tuổi cao và nhiều bệnh lý nền, bị suy hô hấp.
Nhiều người chủ quan
Trước diễn biến tăng số ca dương tính Covid-19, CDC Hà Nội ngày 12/4 phải tổ chức họp bàn các biện pháp tăng cường giám sát phát hiện và phòng chống dịch bệnh này với 30 quận, huyện, thị xã.
Theo bác sĩ Học, so với trước đây, triệu chứng của Covid-19 hầu như không thay đổi nhiều. Đa số bệnh nhân vào viện với các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên, gần giống với cúm và các loại sốt do virus khác như sốt, mỏi người, hắt hơi, sổ mũi, rát họng, ho khan...
"Một số người đi khám vì ho khan dai dẳng cả tuần không đỡ, test nhanh sàng lọc Covid-19 cho kết quả dương tính", bác sĩ Học nói. Lại có trường hợp bị tai biến đột quỵ, không đi ra khỏi nhà hơn nửa năm nay, vào viện chỉ với biểu hiện sốt, mệt, test nhanh ra kết quả dương tính.
"Gia đình bệnh nhân rất ngạc nhiên vì cho rằng không ra ngoài thì lây từ đâu được", bác sĩ Học chia sẻ.
Theo các bác sĩ, triệu chứng của Covid-19 nhẹ, giống cúm và nhiều bệnh virus khác nên nhiều trường hợp bị bỏ sót, chưa kể một bộ phận người dân có tâm lý "dù mắc cũng bị nhẹ, không cần xét nghiệm". Đây là chính là nguồn lây nhiễm lớn trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Trong khi đó, hiệu lực bảo vệ của vắc xin Covid-19 suy giảm theo thời gian. Phần lớn người dân đã được tiêm từ rất lâu, khả năng phòng bệnh giảm nên nguy cơ tái mắc cao.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân và cộng đồng, khuyến khích đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, phòng bệnh trong môi trường kín, tiếp xúc gần trong đám đông… Người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác.