Không chỉ quán quân Olympia, du học sinh tìm cơ hội ở nước ngoài đều là lãng phí nhân tài cho Việt Nam
Học sinh tìm cơ hội ở nước ngoài là sự lãng phí nhân tài cho đất nước, vì vậy Việt Nam nên có cơ chế tạo điều kiện thu hút họ trở về xây dựng quê hương.
Thừa nhận việc nhiều người lựa chọn làm việc ở nước ngoài là lãng phí nhân tài cho Việt Nam, nhưng theo TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng, thì đó là sự lựa chọn của mỗi người, không ai có thể ngăn cấm. Vấn đề đặt ra là Việt Nam nên tạo cơ chế, môi trường tốt để thu hút nhân tài về nước:
"Không chỉ trường hợp các em học sinh vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, mà Việt Nam có rất nhiều nhân tài được các cường quốc cấp học bổng, và cuối cùng các em chọn ở lại nước ngoài làm việc.
Xét về quy luật cung-cầu, nước về chỗ trũng thì đây là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, rõ ràng nhiều học sinh Việt Nam thuộc dạng triển vọng tài năng hầu hết được hưởng thụ các chương trình giáo dục công lập và tiên tiến, đặc biệt là các em học sinh trường chuyên, lớp chọn, những em đạt các huy chương từ các cuộc thi Olympic quốc tế.
Những học sinh này thường không phải đóng nhiều học phí hằng năm vì các chương trình công lập của Việt Nam vẫn được nhà nước bao cấp một phần, hoặc đa phần từ ngân sách chung của đất nước, nghĩa là các em được đất nước và nhân dân chu chấp. Lẽ ra các em phải có trách nhiệm phụng sự lại cho đất nước.
Việc các em tìm cơ hội ở nước ngoài là một sự lãng phí rất lớn cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Và việc có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đào tạo nguồn lực tiềm năng cho các nước, tôi nghĩ cũng không sai.
Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tĩnh hơn, nhìn nhận lại sẽ thấy các em hoàn toàn có quyền lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với năng lực và nhiều cơ hội phát triển. Luật không cấm và các em cũng không có sự ràng buộc gì.
Như vậy, vấn đề là Việt Nam cần tạo môi trường làm việc để làm sao có thể giữ chân được nhân tài và làm sao để họ có cơ hội duy trì và phát triển năng lực của họ. Khi đó chúng ta sẽ không còn băn khoăn về điều này nữa; thậm chí chúng ta hoàn toàn có thể thu hút được nhân tài từ các nước.
Tôi cho rằng, không nên quan niệm đi hay về, mà là làm sao để thu hút và giữ chân nhân tài. Bởi chỉ những người có năng lực rất tốt mới dễ dàng có cơ hội trụ được ở nước ngoài, đương nhiên không loại trừ nhiều người tài năng nhưng chọn quê hương vì những lí do khác nhau.
Cũng không ít trường hợp làm việc ở nước ngoài nhưng lại có rất nhiều đóng góp cho đất nước thông qua các chương trình hợp tác với Việt Nam.
Để tạo một trường thu hút và đồng thời giữ chân được nhân tài thì Việt Nam cần có cơ chế khác biệt hơn về quản trị, về lương và một số các cơ chế khác. Trong đó, quản trị được xem là yếu tố quyết định; cụ thể, để quản lý nhân tài thì phải có những nhà quản lý tài năng, ngược lại thì không thể thu hút và giữ chân ai được. Bởi nhân tài cũng cần mưu sinh và mưu cầu cuộc sống tươi đẹp".
Bạn có đồng ý quan điểm trên? Mời gửi ý kiến TẠI ĐÂY hoặc ô bình luận bên dưới.