Không chỉ quyết liệt lúc cao điểm

Mấy ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Điển hình là vào trưa 11-9, tại ngã tư đường Nguyễn Tuân-Lê Duẩn (phường Thắng Lợi, TP Pleiku), nam thiếu niên 13 tuổi điều khiển xe máy chở 2 người khi qua đường thì xảy ra va chạm với ô tô chưa có biển kiểm soát.

Theo trích xuất camera, nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển các phương tiện qua đường thiếu quan sát; ô tô chạy nhanh, không làm chủ tốc độ; người điều khiển xe máy chưa đủ tuổi vị thành niên, không đội mũ bảo hiểm. Vụ việc khiến 2 người trên xe máy tử vong và 1 người bị thương nặng.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian qua, không chỉ tỉnh Gia Lai mà trên cả nước, các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Sau hai tháng ra quân cao điểm, Bộ Công an tiếp tục duy trì đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT từ ngày 25-8 đến 8-9. Theo thông tin từ Cục CSGT, trong 15 ngày, lực lượng CSGT cả nước lập biên bản vi phạm gần 137.000 trường hợp, phạt tiền hơn 248 tỷ đồng, tước hơn 24.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 38.000 phương tiện. Trong các trường hợp vi phạm trên, có hơn 24.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chủ yếu xảy ra ở người điều khiển phương tiện mô tô, tiếp đến là xe ô tô con.

Trong thời gian diễn ra các hoạt động cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT, 3 tiêu chí về số vụ, số người tử vong, người bị thương đều giảm. Tình hình trật tự ATGT có chuyển biến tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ. Song tình hình tai nạn giao thông vẫn có những diễn biến phức tạp, mà nguyên nhân phần nhiều do lỗi chủ quan như: Phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, đã uống rượu, bia vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông, chở hàng hóa quá khổ, quá tải gây tai nạn...

Như vậy, để hạn chế các vi phạm về ATGT, ý thức chủ quan của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định khi nắm chắc các quy định về ATGT, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông. Điều này đòi hỏi công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông phải được thực hiện thường xuyên ở mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm, tạo thành thói quen của mỗi người khi tham gia giao thông. Tuyên truyền sâu rộng, thực hiện nghiêm túc việc đã uống rượu, bia không lái xe, tạo nếp sống văn hóa giao thông, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự ATGT...

Thực tế cho thấy, khi các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý quyết liệt thì việc chấp hành của người tham gia giao thông có sự chuyển biến rõ rệt hơn và ngược lại. Chính vì vậy, theo kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT sẽ kết thúc vào 20-9, nhưng Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng CSGT vẫn duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm như thời gian cao điểm, không để các chủ phương tiện, lái xe, người điều khiển phương tiện có tư tưởng qua thời gian cao điểm hoặc lơ là sau khi bị xử lý quyết liệt.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-chi-quyet-liet-luc-cao-diem-705257