Không chỉ Sơn La, tốt nhất là trung ương xử lý cả vụ gian lận điểm ở Hà Giang
Vụ gian lận điểm thi, phụ huynh còn có cả vị là Bí thư tỉnh ủy mà địa phương xem xét thì khó mà công bằng, khách quan được. Đó là điều cực khó.
Ông Lê Văn Cuông – nguyên Đại biểu Quốc hội rất hoan nghênh việc Trung ương xem xét vụ gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La.
"Theo tôi, không chỉ đối với Sơn La mà Hà Giang cũng nên làm tương tự như vậy.
Vụ gian lận điểm thi xảy ra ở 3 địa phương Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đều có liên quan đến quan chức trên địa bàn.
Mối quan hệ ngang dọc, giữa phụ huynh, nhà trường, các cơ quan bảo vệ pháp luật, bạn bè, đồng chí…, vụ việc đụng chạm rõ ràng như vậy.
“Vuốt mặt phải nể mũi”, câu này không ai lạ gì nên để cho địa phương làm là rất khó minh bạch, công tâm.
Chúng ta vẫn có câu “trăm cái lý không bằng tí cái tình”, lâu nay mối quan hệ đan xen, rồi dòng tộc, cục bộ địa phương…rất là khó khăn cho việc cơ quan bảo vệ pháp luật là cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa ở 3 địa phương này.
Phải thẳng thắn nhìn vào thực tế đó", ông Cuông nói.
Ông chia sẻ, từ khi vụ việc xảy ra, báo chí, dư luận đều bày tỏ quan điểm đòi hỏi việc điều tra, truy tố, xét xử khách quan, làm đến nơi đến chốn, làm rõ phụ huynh có vai trò ra sao trong việc con em họ được nâng điểm thi.
Tuy nhiên, trong thực tế, mối quan hệ quyền lực, tiền tài, tình cảm…nó chằng chịt. Để cơ quan chức năng ở địa phương làm rõ ràng quả thật cực kỳ khó.
Dư luận luôn cho rằng, vụ việc không khó để làm rõ nhưng thực tế là rất chậm chễ làm cho xã hội nghi ngờ.
"Thực tế, ở Hà Giang, có phụ huynh là Bí thư tỉnh ủy (khi vụ án xảy ra-phóng viên) thì địa phương khó mà làm rõ được.
Nhiều phụ huynh ở các địa phương có con được nâng điểm thi đều nói không biết, không nhờ nâng điểm hoặc nhờ xem điểm nhưng con họ lại được nâng điểm thi?. Điều này thật là khó tin.
Vậy làm sao người có khả năng sửa điểm biết thông tin thí sinh mà sửa, sửa điểm lại cao chót vót.
Tất cả các lý do mà phụ huynh có con được nâng điểm thi đưa ra không thể thuyết phục được dư luận.
Vì vậy, việc Trung ương rút hồ sơ để điều tra làm rõ về tội đưa và nhận hối lộ là thượng sách.
Để cho khách quan và công tâm, dư luận yên tâm, không còn băn khoăn nghi ngờ, Trung ương cần thiết rút hồ sơ làm.
Và Trung ương làm cũng là để giữ uy tín cho chính ngành của họ nữa”, ông Cuông nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 12/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2019.
Đáng chú ý, trong báo cáo của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện dư luận và cử tri còn băn khoăn, đề nghị làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh can thiệp làm sai lệch kết quả thi.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình không đồng tình với đánh giá các sai phạm, vi phạm trong vụ gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 “đã được xử lý nghiêm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đông của Quốc hội nhấn mạnh, những người tham gia có ba vai trò: người hối lộ, người nhận hối lộ để thực hiện hành vi sai phạm (sửa, nâng điểm) và người thụ hưởng hành vi sai phạm đó.
“Hiện chúng ta mới xử lý những người có trách nhiệm làm sai, còn có hay không những người đưa tiền thì chúng ta chưa làm rõ.
Chúng ta có xử lý nhưng chỉ mới xử lý kỷ luật hành chính”, ông Bình nói và đề nghị phải làm rõ vì sao những người có trách nhiệm lại làm như vậy.
Ngay sau đó trong phần giải trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã nhắc tới vụ gian lận thi cử ở Sơn La.
“Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung 7 bị can nữa”, ông Trí cho hay.
Theo ông Trí, vụ án này không thuộc án Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nhưng để ở dưới địa phương không làm được.
“Đồng chí Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao – phóng viên) cũng trăn trở nói với tôi tội đó phải là đưa, nhận hối lộ. Tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ không chính xác vì có yếu tố nhận tiền”, ông Trí nêu quan điểm.