Không chờ được F-35 tối tân nhất, Đan Mạch xài 'giải pháp tình thế'

Việc đưa các tiêm kích F-35 cấu hình TR-2 về nước sẽ cho phép Đan Mạch đảm bảo tiến độ hiện đại hóa phi đội của mình và tặng chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.

Đan Mạch có kế hoạch đưa về nước 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II hiện đang được sử dụng để huấn luyện phi công ở Mỹ trong bối cảnh lịch giao hàng cho phiên bản nâng cấp của “Tia chớp” tiếp tục bị trì hoãn.

Thông thường, các khách hàng mới của F-35 thường giữ lô máy bay phản lực đầu tiên của họ tại Căn cứ Không quân Luke, tiểu bang Arizona, nơi các phi công và nhân viên bảo trì được đào tạo ban đầu để có thể vận hành máy bay chiến đấu khi “hàng” thực sự về tay.

Trong một thông báo hôm 26/6, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết, 6 máy bay phản lực F-35 cấu hình TR-2 của nước này đóng tại Căn cứ Không quân Luke sẽ được “hồi hương” về Căn cứ Không quân Skrydstrup của Không quân Hoàng gia Đan Mạch.

Với động thái này, phi đội F-35 đang hoạt động của quốc gia Bắc Âu sẽ được tăng từ 4 chiếc lên thành 10 chiếc, khi Đan Mạch chuẩn bị loại bỏ dần phi đội máy bay F-16 Fighting Falcon (Chim Cắt) cũ kỹ của mình.

“Giải pháp tình thế”

Gã khổng lồ quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã sắp hết chỗ để đậu các máy bay phản lực thế hệ thứ 5 chưa được giao trong bối cảnh sự chậm trễ trong việc chứng nhận phần cứng và phần mềm liên quan đến bản cập nhật Technology Refresh 3, hay TR-3, khiến lịch trình giao hàng bị trì hoãn đến năm 2025, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) của Mỹ báo cáo hồi tháng 5.

Điều đó đang làm gián đoạn kế hoạch thay thế phi đội của Đan Mạch, Bỉ và Na Uy, những nước đang sở hữu những chiếc máy bay F-16 đã phục vụ hơn 40 năm.

“Điều tích cực là hiện tại chúng tôi đã tìm ra giải pháp để sự chậm trễ từ nhà sản xuất ảnh hưởng đến chúng tôi ít nhất có thể”, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết trong tuyên bố hôm 26/6. “Máy bay chiến đấu F-35 là khoản đầu tư lớn đối với Đan Mạch. Điều này sẽ rất quan trọng đối với quốc phòng và an ninh của chúng tôi trong nhiều năm tới, và điều quan trọng là chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ quá trình này”.

4 máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên đến Đan Mạch vào tháng 4/2021. Ảnh: EurAsian Times

4 máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên đến Đan Mạch vào tháng 4/2021. Ảnh: EurAsian Times

Phần mềm TR-3, ban đầu được lên kế hoạch cho mùa hè năm 2023, vẫn tiếp tục không ổn định, GAO cho biết hồi tháng 5. Cơ quan giám sát này cho biết một số phi công thử nghiệm đã phải khởi động lại toàn bộ hệ thống radar và tác chiến điện tử (EW) giữa chừng chuyến bay trên F-35 để đưa chúng trở lại hoạt động.

Bản cập nhật bao gồm màn hình buồng lái được cải tiến và nhiều sức mạnh tính toán trên máy bay hơn, đồng thời được cho là cơ sở cho bản nâng cấp tiếp theo được gọi là Block 4, bổ sung thêm khả năng vũ khí và tác chiến điện tử mới cho “Tia chớp”.

Lockheed Martin ban đầu sẽ cung cấp máy bay phản lực F-35 với phiên bản giới hạn TR-3 chỉ có thể sử dụng cho mục đích huấn luyện. Các máy bay phản lực Đan Mạch có cấu hình TR-2 cũ hơn sẽ được hồi hương khi các máy bay có bản nâng cấp phần mềm và phần cứng TR-3 được chuyển giao cho Căn cứ Không quân Luke, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết.

Việc đưa các máy bay F-35 cấu hình TR-2 về nước sẽ cho phép Đan Mạch duy trì các mốc hoạt động quan trọng trong quá trình đưa chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 vào sử dụng và nâng cao trình độ đào tạo phi công cũng như nhân viên hỗ trợ tại căn cứ Skrydstrup ở Đan Mạch, đồng thời cho phép tiếp tục đào tạo phi công tại căn cứ Luke ở Mỹ.

Sự xáo trộn nhất định

Động thái của Đan Mạch khiến các khách hàng F-35 châu Âu khác, hiện tại và tương lai, lo ngại rằng lịch trình giao và nâng cấp máy bay đã được hiệu chỉnh cẩn thận của họ có thể một lần nữa bị xáo trộn bởi vấn đề mang tên “bản cập nhật TR-3”.

Hà Lan và Na Uy đang vận hành phi đội gồm hơn 30 máy bay phản lực F-35, do đó ít phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp hơn so với Đan Mạch hoặc một quốc gia như Bỉ – những quốc gia vẫn chưa nhận được chiếc F-35 nào. Nhưng ít khẩn cấp không có nghĩa là không bị ảnh hưởng.

Các quan chức quốc phòng ở Na Uy cho biết họ đã nêu rõ mối quan ngại của mình với Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35 (JPO) của Lầu Năm Góc, cơ quan đại diện cho chính phủ Mỹ và quốc tế tham gia Chương trình F-35. Oslo đặc biệt lo lắng khi Lockheed Martin cung cấp một loạt các giải pháp nửa vời và các phiên bản khác nhau vào quy trình sản xuất.

“Chúng tôi không muốn cấu hình tạm thời”, một quan chức quốc phòng Na Uy giấu tên cho biết.

Chiến đấu cơ F-16 AM E-005 bay trên bầu trời Đan Mạch, tháng 10/2020. Đan Mạch đang chờ nhận hàng những chiếc tiêm kích F-35 hiện đại hơn để thay thế những chiếc F-16 cũ kỹ. Ảnh: EurAsian Times

Chiến đấu cơ F-16 AM E-005 bay trên bầu trời Đan Mạch, tháng 10/2020. Đan Mạch đang chờ nhận hàng những chiếc tiêm kích F-35 hiện đại hơn để thay thế những chiếc F-16 cũ kỹ. Ảnh: EurAsian Times

Hà Lan đã lường trước được sự chậm trễ trong quá trình phát triển máy bay, và vào cuối năm 2022 đã yêu cầu giao 6 máy bay ở cấu hình TR-2 thay vì phiên bản nâng cấp, đồng thời cho biết việc giao hàng có thể tiếp tục đến tháng 3, theo báo cáo tiến độ hàng năm của chính phủ công bố hôm 2/4.

Người Hà Lan dự kiến sẽ nhận được chiếc F-35 có cấu hình TR-3 đầu tiên của họ vào cuối năm 2024, và nếu lúc đó phần mềm không có sẵn thì sự chậm trễ sẽ có “tác động hạn chế” đến kế hoạch thành lập phi đội F-35 thứ 3 của Amsterdam vào giữa năm 2027, theo báo cáo.

Đan Mạch đã mua 27 chiếc F-35 và số máy bay còn lại sẽ được giao với định dạng TR-3 “vào năm 2027”, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết. Theo Bộ này, giải pháp hồi hương 6 chiếc F-35 TR-2 sẽ giúp đảm bảo tiến độ tặng F-16 cho Ukraine cũng như nghĩa vụ của Đan Mạch đối với NATO trong tình huống khủng hoảng.

Nước này sẽ ngừng đào tạo phi công F-16 Ukraine ở Đan Mạch sau năm 2024 khi Căn cứ Không quân Skrydstrup chuyển hoàn toàn sang F-35, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Poulsen cho biết trong cuộc họp báo với người đồng cấp Na Uy Bjørn Arild Gram hôm 24/6.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi liên quan đến mốc thời gian hồi hương 6 máy bay từ Mỹ hoặc giao 17 chiếc F-35 còn lại.

Minh Đức (Theo Defense News, Flight Global)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-cho-duoc-f-35-toi-tan-nhat-dan-mach-xai-giai-phap-tinh-the-a671004.html