Không cho phép tồn tại kiểu đòi nợ 'quýt làm cam chịu'!

Người ta không vay mà khủng bố để đòi nợ thì thực chất là hành vi cướp tài sản

Bài viết "Ám ảnh những cuộc gọi đòi nợ" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 18-5 nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.

Nội dung bài báo phản ánh thực trạng nhiều người là nạn nhân của món nợ từ… người khác và bị làm phiền, quấy nhiễu, khủng bố tinh thần ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hình thức.

Lý giải nguyên nhân, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho hay khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng (app).

Tới lúc người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc, người cho vay sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại tới những số trong danh bạ nhằm gây áp lực trả nợ.

Tin nhắn đòi nợ và hình ảnh một nạn nhân bị đưa lên Facebook Ảnh: Dũng Hưng

Tin nhắn đòi nợ và hình ảnh một nạn nhân bị đưa lên Facebook Ảnh: Dũng Hưng

Trước kiểu đòi nợ vô lý kiểu "quýt làm cam chịu" này, nhiều bạn đọc bày tỏ bất bình. Bạn đọc Nguyễn Phương bức xúc: "Người khác vay nợ dù là người thân sao lại buộc người không vay phải có trách nhiệm trả nợ thay? Luật nào cho phép, đạo lý nào phi lý vậy?... Không thể có chuyện người này vay người khác phải có trách nhiệm".

Đồng tình, bạn đọc Lamnguyen khẳng định: "Người ta không vay mà khủng bố để đòi tiền thì thực chất là hành vi cướp tài sản, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm".

Trong khi đó, bạn đọc Pirate nêu nghịch lý: "Quảng cáo cho vay tiền dán đầy cột điện, trên tường, kèm số điện thoại để liên lạc người cho vay. Quá dễ để bắt. Vậy sao các cơ quan chức năng không xử lý ngay?".

Bạn đọc Thaivandung bổ sung thêm: "Nhà nước nên nghiên cứu xử lý nghiêm minh, triệt để những công ty đòi nợ thuê đội lốt công ty tài chính. Có như thế thì những nhóm đòi nợ thuê, đòi nợ không đúng đối tượng mới hết đất lộng hành".

Một thủ đoạn gây áp lực bằng cách bôi xấu

Một thủ đoạn gây áp lực bằng cách bôi xấu

Để bảo vệ bản thân, bạn đọc Thành Nguyên cho rằng: "Theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân thì cá nhân người vay chịu trách nhiệm, không liên quan đến người thứ hai, trừ trường hợp người đó ký đứng ra bảo lãnh cho khoản vay đó.

Còn về nội dung bản hợp đồng thì phần cuối có nêu rõ "Hợp đồng này được điều chỉnh theo luật pháp của Việt Nam" như vậy, kể từ ngày khách hàng ký vào bản hợp đồng đó thì tất cả những nội dung nào không phù hợp và trái pháp luật sẽ phải điều chỉnh theo pháp luật của Việt Nam.

Với những hành vi cố ý vi phạm pháp luật, đã được kiến nghị phản hồi từ khách hàng đến các ngân hàng thương mại, công ty tài chính nhưng không khắc phục hậu quả, sửa chữa và vẫn tiếp tục sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để quấy rối, đe dọa, bịa đặt vu khống khách hàng và những người không có liên quan đến khoản vay thì nạn nhân hãy ghi âm, thu thập chứng cứ để gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an và Ngân hàng nhà nước.

Nếu có thiệt hại đến công việc, uy tín, danh dự, sức khỏe..., có quyền yêu cầu bồi thường, thậm chí yêu cầu hoàn trả lại số tiền mà các công ty tài chính, ngân hàng thương mại liên quan đã thu sai, thu trái quy định của pháp luật...".

Nhiều bạn đọc bị rơi vào cảnh đòi nợ kiểu "quýt làm cam chịu" cũng đã cám ơn Báo Người Lao Động vì nói giúp nỗi bức xúc, khó chịu mà họ phải trải qua một thời gian dài. "Tôi cũng từng là nạn nhân của bọn nhân viên công ty tài chính với liên tiếp hàng chục cuộc điện thoại mắng mỏ, nhiếc móc nặng nề... Từ giờ, chúng ta đã có công cụ hỗ trợ pháp lý rồi. Cảm ơn tác giả"- Bạn đọc Nam Nhân bày tỏ.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân cân nhắc khi vay tiền qua các ứng dụng tài chính được quảng cáo trên mạng xã hội hoặc các trụ điện, lề đường.

Thực tế đã có rất nhiều nạn nhân khi vay qua hình thức này bị rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải bán nhà trả nợ. Khi bị đe dọa, quấy rối yêu cầu trả nợ, người dân có thể trình báo công an gần nhất hoặc gửi đơn đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM để tố cáo, nhờ can thiệp.

NGỌC KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/khong-cho-phep-ton-tai-kieu-doi-no-quyt-lam-cam-chiu-20220519130433454.htm