Không cho thí sinh quên căn cước công dân dự thi đánh giá năng lực là ứng xử vô cảm

Ngày 2/6, có 39.034 (trên tổng số 40.455) thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hội đồng thi không chấp nhận cho một thí sinh mất căn cước công dân sử dụng thông tin từ VneID.

Mặc dù được chuẩn bị kĩ, rất nhiều thí sinh quên căn cước công dân khi đi thi. Ảnh: Hà Văn

Mặc dù được chuẩn bị kĩ, rất nhiều thí sinh quên căn cước công dân khi đi thi. Ảnh: Hà Văn

Thí sinh không được thi vì quên giấy tờ

Truyền thông dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cụm thi đánh giá năng lực tại Cơ sở II, Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện theo đúng quy chế thi.

Thí sinh phải có bản chính Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu mới đủ điều kiện dự thi.

"Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức trên diện rộng, cần tuân thủ nghiêm các quy định. Việc xác minh các giấy tờ không phải là chuyên môn của cán bộ coi thi.

Do đó, việc quy định chỉ dùng bản chính Căn cước công dân /Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu là phù hợp. Các giấy tờ này được kiểm tra trong suốt quá trình thi để đảm bảo phòng chống việc thi hộ, thi kèm do đó không thể sử dụng VNeID trên điện thoại", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính trả lời truyền thông.

Quy định cứng nhắc, ứng xử vô cảm với thí sinh

Thứ nhất, về hành lang pháp lí, khoản 12 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP giải thích, VNelD là ứng dụng trên thiết bị số do Bộ Công an tạo lập, phát triển để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công, các giao dịch khác trên môi trường điện tử cũng như phát triển các tiện ích để phục vụ cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tài khoản VNeID sử dụng số định danh cá nhân (số Căn cước công dân gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập. Khi sử dụng VNeID, người dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở 2 mức:

Tài khoản định danh điện tử mức 1 có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Tài khoản định danh điện tử mức 2 có giá trị tương đương với sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân. Đồng thời, cung cấp thông tin có trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế…

Như vậy, thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng VNeID thay thế bản chính Căn cước công dân để dự thi.

Thứ hai, kì thi tuyển sinh lớp 10, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm vẫn có nhiều thí sinh quên các loại giấy tờ như Giấy báo dự thi, Căn cước công dân /Chứng minh nhân dân.

Việc xử lí tình huống này rất nhanh, rất dễ. Đối với kì thi tuyển sinh 10, cán bộ coi thi sẽ lấy học bạ thí sinh (được lưu ở điểm thi) để xác minh các thông tin có liên quan như: họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, học sinh trường.

Cán bộ cẩn thận hơn có thể đối chiếu ảnh trong học bạ với khuôn mặt thí sinh xem có khớp không. Thí sinh cũng không cần phải viết cam đoan, cam kết. Buổi thi môn thứ 2 hoặc thứ 3 thí sinh đem theo giấy tờ tùy thân để cán bộ coi thi xác minh lại là được.

Đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cán bộ coi thi yêu cầu thí sinh cung cấp các thông tin cơ bản như: họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, họ và tên cha/mẹ, học sinh trường. Thí sinh kí tên hoặc lăn tay vào tờ cam kết và buổi thi sau phải bổ sung giấy tờ theo quy định.

Tóm lại, trường hợp thí sinh quên các giấy tờ cá nhân thì trưởng điểm thi cần đưa ra hướng xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh là trên hết chứ không phải không cho thí sinh dự thi.

Trường hợp không cho thí sinh quên giấy tờ dự thi đánh giá năng lực là cách ứng xử cứng nhắc, vô cảm - không nên xảy ra ở môi trường giáo dục.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-cho-thi-sinh-quen-can-cuoc-cong-dan-du-thi-danh-gia-nang-luc-la-ung-xu-vo-cam-17924060221582427.htm