Không chọn nghề theo cảm tính
Chưa đầy 2 tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học 2022. Ở giai đoạn nước rút, nhiều học sinh vẫn chưa thể xác định được ngành học mình theo đuổi.
Chọn ngành rồi mới chọn trường
Làm thế nào để lựa chọn ngành học phù hợp và chính xác nhất? PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyên học sinh hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra lĩnh vực mình yêu thích. Sau giai đoạn chọn ngành mới tiến tới chọn trường. Thí sinh cần xác định môi trường học mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học, tình hình kinh tế gia đình, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng. “Khi chọn trường, thí sinh nên hướng tới thị trường lao động 5 - 7 năm tới. Nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện”, PGS.TS. Trần Thành Nam nói.
Không có ngành học nào “hot” với tất cả thí sinh, điều quan trọng là xác định nhóm ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của bản thân, nhu cầu của thị trường lao động. TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh khẳng định, nếu không phù hợp, khi vào trường các em rất dễ bị “vỡ mộng”, thậm chí không đủ năng lực để hoàn thành chương trình hay theo nghề sau này.
Nhiều thí sinh băn khoăn, nếu nghề nghiệp mơ ước không phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, liệu có phải từ bỏ ước mơ? TS. Trần Đình Lý cho rằng, nhu cầu thị trường có thể biến động theo các năm, nhưng năng lực, sở trường vẫn là yếu tố cốt lõi. Nếu có ước mơ, đồng thời biết và phát huy năng lực của mình sẽ không lo thiếu việc làm. Vì vậy, thí sinh nên chọn ngành nghề đúng và trúng ngay từ đầu bằng cách nhận diện năng lực để biết bản thân phù hợp với lĩnh vực nào.
Mỗi năm 240.000 sinh viên tốt nghiệp
Thực tế, tâm lý của phụ huynh và thí sinh là chọn ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Văn Linh thông tin, thống kê xu hướng việc làm dựa trên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2020 chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 là các ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao, trên 85%; nhóm 2 từ 75 - 85%; nhóm 3 từ 70 đến dưới 75%; nhóm 4 dưới 70%.
Số liệu năm 2020 cho thấy nhóm 1 gồm các ngành như: Dịch vụ vận tải, Nghệ thuật, Thú y. Nhóm 2 gồm có Kiến trúc và xây dựng, Sản xuất và chế biến, Toán thống kê, sức khỏe, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống. Nhóm 3 có một số nhóm ngành là: Khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, Nhân văn, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin. “Trong các nhóm này, ngành Khoa học sự sống có tỉ lệ việc làm khá cao. Đây là điều đáng mừng vì chúng ta đang rất khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực về các ngành khoa học cơ bản”, ông Bùi Văn Linh nói.
Nhóm ngành tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức thấp là ngành: Dịch vụ xã hội, Môi trường và bảo vệ môi trường, Pháp luật, Kinh doanh quản lý, Khoa học xã hội và hành vi.
Ông Bùi Văn Linh cũng cho biết, từ năm 2019 - 2021, mỗi năm có khoảng 240.000 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 10 nhóm ngành luôn đứng đầu về số lượng đào tạo và lượng sinh viên tốt nghiệp là: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Nhân văn, Khoa học xã hội hành vi, Kinh doanh và quản lý, Pháp luật, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Kiến trúc và xây dựng, Sức khỏe.
"Tuy nhiên, 3 năm gần đây, sự biến động đầu vào đã có thay đổi đáng kể. Ví dụ ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên giảm dần, năm 2018 có 27.028 sinh viên, năm 2019 có 28.038 sinh viên, năm 2020 có 21.034 sinh viên. Trong khi đó, khối Sức khỏe từ 2018 - 2020 tăng từ 11.000 lên 23.000 người. Lý do có kể kể đến là một số cơ sở đào tạo mở thêm khối ngành Sức khỏe nên số lượng đào tạo hàng năm cao hơn”, ông Bùi Văn Linh thông tin.