'Không chủ quan dịch nhưng không cần thu gom, dự trữ khẩu trang'

Khi có thông tin về ca nghi mắc SARS-CoV-2 trên mạng, nhiều người sốt sắng tìm mua, tích trữ khẩu trang vì lo dịch sẽ bùng phát trở lại. Theo bác sĩ, việc này không cần thiết.

Chiều 24/7, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết bệnh nhân T.V.D. (57 tuổi, trú quận Liên Chiểu) có 3 lần dương tính với SARS-CoV-2, đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngay lập tức, nhiều diễn đàn mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin cần mua, dự trữ khẩu trang vì sợ tình trạng khan hiếm.

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khẳng định đeo khẩu trang luôn là việc cần thiết để phòng, chống dịch và người dân không nên chủ quan.

"Cho tới lúc này, Bộ Y tế và Ban phòng chống dịch cũng khuyên chúng ta phải mang khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt những nơi công cộng khép kín. Cho nên việc mang khẩu trang là đúng, đừng lơ là. Hiện nay một số người, khi đi vào những nơi đông đúc, thậm chí là bệnh viện cũng không chịu mang khẩu trang, điều đó cần xem lại", bác sĩ Khanh nói.

Trên một số hội nhóm, dân mạng lo lắng, đổ xô gom khẩu trang vì sợ dịch bùng phát trở lại.

Trên một số hội nhóm, dân mạng lo lắng, đổ xô gom khẩu trang vì sợ dịch bùng phát trở lại.

Song, bác sĩ cũng cho rằng tình hình hiện tại không khác nhiều so với thời điểm trước đó, khi Việt Nam xuất hiện nhiều ca nhiễm, vì vậy người dân nên bình tĩnh. Việc thu gom, dự trữ khẩu trang là thừa.

"Khi có một sự kiện xảy ra, chắc chắn sẽ có những người tận dụng trục lợi để kinh doanh. Còn bản thân người dân phải bình tĩnh, đừng để bị lừa. Năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam không phải không đủ cung cấp", bác sĩ Khanh nhận xét về việc dân mạng đổ xô mua khẩu trang do thông tin về ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng.

Với tin giả về các ca nghi nhiễm, dự đoán giá vật tư y tế, nhất là khẩu trang, sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, theo bác sĩ, đây là chiêu do những người bán hàng online tự "đẩy giá", "hét giá" để đánh vào tâm lý người mua ở thời điểm hiện tại.

"Tình trạng này đã xảy ra trong đỉnh dịch, do những bên thu gom, tăng giá bán, gây hoang mang cho người dân. Việc quan trọng lúc này là không tụ tập nơi đông người, rửa tay sạch sẽ, tạo sức đề kháng tốt cho chính mình, người thân", bác sĩ nói thêm.

Ngoài ra, theo nhận định PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, sau khoảng 6 tháng chống dịch, tình hình đã khác nhiều.

"Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi hoặc nhiễm trong cộng đồng, cơ quan y tế sẽ phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch", ông cho biết.

Nhiều bài đăng có nội dung kích động tâm lý để mọi người mua khẩu trang.

Nhiều bài đăng có nội dung kích động tâm lý để mọi người mua khẩu trang.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn bệnh nhân mắc Covid-19. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục làm xét nghiệm trong đêm nay. Dự kiến sáng 25/7, bệnh nhân sẽ có kết quả chính thức.

Hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu Đà Nẵng tiến hành lập danh sách những người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm. Yêu cầu cách ly toàn bộ những trường hợp này để bảo đảm an toàn với cộng đồng. Những nơi bệnh nhân đi đến đã được khoanh vùng, cách ly.

Với bệnh nhân, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, thông tin các chuyên gia đầu ngành đã tiến hành hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp cho công tác điều trị.

Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-chu-quan-dich-nhung-khong-can-thu-gom-du-tru-khau-trang-post1110942.html