Không chủ quan khi dịch bệnh phát sinh song hành
(QTO) - Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, là điều kiện tốt cho các loại vi khuẩn, virus phát sinh và gây bệnh. Bên cạnh đó, COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy người dân cần chủ động phòng, chống các dịch bệnh, tránh để dịch chồng dịch.
Tại TP. Đông Hà, thời gian gần đây số ca sốt xuất huyết (SXH) và sốt siêu vi (SSV) lây nhiễm từ đường hô hấp, đường tiêu hóa tăng đột biến so với những năm trước. Mỗi ngày Trung tâm Y tế thành phố tiếp nhận từ 40 - 45 ca các loại bệnh này. Trong đó, bệnh SXH từ 5 - 7 ca, SSV từ 30 - 40 ca, còn lại một số ít là COVID-19. Để ứng phó với các loại dịch bệnh song hành diễn ra như hiện nay trung tâm đã tăng cường số giường bệnh, phòng bệnh, đội ngũ y, bác sĩ ứng trực, điều trị bệnh nhân 24/24 giờ.
Do cùng một thời điểm xảy ra nhiều loại bệnh có triệu chứng tương tự nhau, khó phân biệt nên nhiều bệnh nhân chủ quan không đến các cơ sở y tế khám điều trị mà tự điều trị tại nhà, đến giai đoạn nặng mới đến bệnh viện, điều này rất nguy hiểm.
Anh Cao Ngọc Thạch ở Khu phố 3, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà cho biết, “Do không biết bị mắc SXH, ngày đầu bị sốt, sau đó giảm sốt nên ngày sau tôi tiếp tục đi làm, vì vậy bệnh nặng hơn. Đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán là SXH, giờ cơ thể rất mệt mỏi, chưa hồi phục”.
Những ngày gần đây, nhiều cán bộ công nhân viên, học sinh tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn TP. Đông Hà cũng mắc các bệnh SXH và SSV, buộc phải xin nghỉ làm, nghỉ học để điều trị. “Trước nguy cơ dịch bệnh tăng cao, nhà trường đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên, học sinh và phụ huynh có con em đang theo học tại trường thực hiện phòng tránh dịch bệnh”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, TP. Đông Hà Nguyễn Thị Minh Thu cho biết.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đông Hà, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, các bệnh lý liên quan đường hô hấp triệu chứng gần giống nhau. Có nhiều bệnh nhân tự chữa trị, truyền thuốc tại nhà khi chưa được khám, sàng lọc bệnh và chưa có hướng dẫn của y, bác sĩ là rất nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẽ phân biệt bằng test COVID-19, test cúm. Đa phần các ca mắc cảm cúm mùa liên quan đến đường hô hấp thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một số trường hợp có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong nhưng tỉ lệ này rất nhỏ, thường xảy ra ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh nền, người già, trẻ em, phụ nữ có thai...
Đối với bệnh SXH, nếu điều trị không kịp thời có thể biến chứng gây nguy hiểm. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị sốc, có thể có xuất huyết võng mạc, suy tim, suy thận, tụt huyết áp, hôn mê, đau đầu liên tục và có thể dẫn đến tử vong. “Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để phòng tránh người dân cần vệ sinh mũi, miệng, mắt bằng nước muối sinh lý hằng ngày; ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng cơ thể; đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; chủ động diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xử lý kịp thời, tránh biến chứng nặng dẫn đến tử vong”, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng khuyến cáo.
Theo số liệu của Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 28/10/2022, toàn tỉnh có 1.353 trường hợp mắc SXH. Trong đó cao nhất là Đông Hà 345 trường hợp, Triệu Phong 267 trường hợp, Gio Linh 203 trường hợp, Cam Lộ 200 trường hợp, Hải Lăng 155 trường hợp.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Quảng Trị đã chỉ đạo đơn vị y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện tốt công tác giám sát theo dõi tình hình sức khỏe trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm, không để các ổ dịch phát sinh, phát triển; duy trì các đội chống dịch cơ động, đội đáp ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra; xây dựng các phương án, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch.
Đồng thời, gửi văn bản đến các sở ngành liên quan, UBND cấp huyện nhằm tăng cường công tác kiểm soát, tuyên truyền tại cộng đồng dân cư về dấu hiệu của bệnh và cách phòng, chống bệnh. Đặc biệt hiện nay, COVID-19 tuy đã được kiểm soát, song vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ tái dịch cao, vì vậy Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời đến các địa phương trong tỉnh chủ động kiểm tra, xử lý tránh dịch bùng phát trở lại.
Trao đổi về việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt cao điểm này, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, bác sĩ Lê Đức Dũng cho biết, để thực hiện đạt hiệu quả cao, vừa qua Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh đã quán triệt thực hiện nghiêm túc điều tra, lập danh sách đối tượng, bảo quản phân phối vắc xin, vật tư, truyền thông, giám sát, nhắc nhở tiêm chủng… Cùng với đó, ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, kết quả việc tiêm chủng cho lứa tuổi trẻ em, học sinh tại các trường học đạt thấp do phụ huynh còn e ngại trước phản ứng khi tiêm và tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 đối với học sinh. Ngoài ra, một số học sinh bị mắc COVID-19 đã chữa khỏi nên người dân chủ quan.
Bác sĩ Lê Đức Dũng cho biết, thời gian qua tỉ lệ tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh đạt thấp, đặc biệt là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến ngày 28/10/2022, toàn tỉnh có 79.762 trẻ em tiêm vắc xin, trong có 54.707 trẻ tiêm mũi 1, chiếm 68,58%; 39.825 trẻ tiêm mũi 2 mũi, chiếm 49,93%.
Các địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp gồm: Đông Hà, Hải Lăng, Cam Lộ. Nguyên nhân chính là người dân vẫn chủ quan, mặt khác trên trang mạng xã hội có những thông tin trái chiều, thiếu khoa học.
“Tuy nhiên, ngành y tế khẳng định rằng, việc tiêm vắc xin này được nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng. Hiện nay, ngành y tế chọn 2 loại vắc xin an toàn nhất để tiêm cho trẻ, đó là Pfizer và Moderna, vì vậy người dân hãy yên tâm khi tiêm phòng cho trẻ”, bác sĩ Lê Đức Dũng khuyến cáo.