Không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết
Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở huyện Lộc Ninh được ghi nhận tăng cao so cùng kỳ, nhiều ca bệnh diễn biến phức tạp và đã có trường hợp tử vong do SXH. Cùng với nỗ lực của ngành y tế trong thu dung, điều trị, người dân cần tích cực thay đổi hành vi sinh hoạt, không lơ là, chủ quan, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, giảm thiểu hậu quả đáng tiếc do SXH gây ra.
Nhiều diện tích hoa màu, mương, rãnh thoát nước, bụi rậm không được phát quang, khơi thông, do vậy, từ đầu mùa mưa đến nay, ấp 11B, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh ghi nhận 15 trường hợp mắc SXH. Điều đáng lo ngại là địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền diệt lăng quăng, bọ gậy, triển khai phun xịt khử khuẩn nhưng ổ dịch nơi đây vẫn tái lại nhiều lần.
Đang điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, anh Trương Văn Dương ở xã Lộc Thiện cho biết: “Xung quanh nhà tôi muỗi nhiều lắm, ngủ có mùng mền đầy đủ, khu vực xung quanh không ai bị nhưng mình vẫn mắc SXH”. Chị Nguyễn Ngọc Giàu, y tế thôn bản ấp 11B, xã Lộc Thiện chia sẻ: Cỏ rác um tùm, mương không thoát nước được, y tế xã đã vào phun xịt và đổ thuốc xuống mương nhưng muỗi, lăng quăng vẫn không giảm; tuyên truyền thì bà con không nghe, trong khi cây trồng, hoa màu ở đây chỉ trồng được vào mùa mưa. Vì vậy, dịch SXH cứ tái đi tái lại nhiều lần.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, trong hơn 1 tháng trở lại đây, số ca mắc SXH điều trị tăng liên tục. Nhiều trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng bệnh không rõ nét, bệnh nhân còn chủ quan trong quá trình thăm khám, điều trị SXH.
Có con điều trị SXH tại Khoa Truyền nhiễm, chị Hoàng Thị Luân ở xã Lộc Quang cho hay: Mấy ngày trước bỗng dưng con kêu đau đầu rồi đau bụng, đau hết các khớp, đưa đi khám bác sĩ nghi ngờ SXH nên gia đình đưa con vào đây điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh cho hay: So với những năm trước, số bệnh nhân SXH nặng, phức tạp nhiều hơn. Các triệu chứng những ngày đầu giống sốt thông thường nên bệnh nhân thường không để ý, đến khi đau bụng, tiêu chảy mới vào bệnh viện. Điều khó là bệnh nhân không quan tâm sức khỏe của mình đến khi nặng mới chịu vào viện điều trị.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 26 ổ dịch với 226 ca mắc SXH, trong đó 1 trường hợp tử vong do SXH. Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế, thuốc và sẵn sàng cho tình huống số ca mắc SXH tăng đột biến khi dịch bùng phát trên diện rộng.
Trường hợp tử vong do SXH vừa qua là bệnh nhân 60 tuổi. Bệnh nhân cũng có nhận thức cơ bản về SXH nhưng khi mắc lại tự điều trị tại nhà, không thấy chuyển biến mới vào bệnh viện thì đã nguy kịch. Chúng tôi chuyển cấp cứu bệnh nhân này lên tuyến trên nhưng sau 2 ngày điều trị đã không qua khỏi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Đây là trường hợp hết sức đau lòng nhưng cũng là lời cảnh báo cho những ai còn lơ là, chủ quan khi mắc SXH.
Bác sĩ chuyên khoa I Bế Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh
SXH là dịch bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc thay đổi hành vi sinh hoạt, tăng cường vệ sinh, phát quang khu vực sinh sống, ngủ mùng, không tích nước trong lu, khạp gắn với thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy từ phía người dân được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để chung tay với ngành y tế phòng, chống có hiệu quả SXH.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/135158/khong-chu-quan-lo-la-voi-sot-xuat-huyet