Không chủ quan với bão số 6
Chiều 8-11, theo cơ quan chức năng, vị trí tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 230 km về phía Đông Bắc.
Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Đến 16 giờ ngày 9-11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 430 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ để ứng phó bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão số 6 di chuyển dị thường, rất phức tạp. Khi bão đổ bộ sẽ gây sóng cao 7-8 m ở ngoài khơi, ven bờ 4-6 m, nước biển dâng kết hợp triều cường 2-3 m.
Ông Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho biết đã huy động 250.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, 2.300 phương tiện, trên biển hơn 150 tàu ứng trực, sẵn sàng ứng phó. Lực lượng Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ đội Biên phòng đã chủ động
Người dân Phú Yên chằng chống nhà cửa đề phòng triều cường tiếp tục tấn công Ảnh: Hồng Ánh huy động lực lượng giúp dân sơ tán, thông báo kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bão số 6 có phạm vi ảnh hưởng rộng, đề nghị tất cả địa phương phải bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền, cần thông báo và hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn. Các địa phương phải chủ động cấm biển và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều 1-2 tàu vào tỉnh Bình Định để hỗ trợ địa phương ứng phó.
Cùng ngày, lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi cũng đã triển khai các phương án ứng phó. Bình Định đã lệnh cấm biển để bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường cho học sinh nghỉ học nguyên ngày 11-11, sau đó tùy tình hình để quyết định thời gian đi học lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết tỉnh đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại huyện Lý Sơn và huyện Đức Phổ, là nơi được dự báo bị ảnh hưởng nặng nhất của bão, để phòng chống.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã ban bố lệnh cấm biển đối với toàn bộ ngư dân trên địa bàn; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này phải liên lạc với tất cả tàu cá còn đang đánh bắt ngoài khơi tìm nơi tránh trú. Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã phát văn bản gửi các đơn vị trực thuộc sở yêu cầu cho học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 11-11.
Sẵn sàng cấp cứu ngư dân
21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa và 15 nhà giàn DK1 đã triển khai phương án chống bão vào sáng 8-11. Âu tàu ở các đảo Song Tử Tây, Đá Tây, làng chài Núi Le, Tốc Tan đã sẵn sàng đón các ghe tàu của ngư dân vào trú bão, cung cấp nước ngọt, lương thực, cấp cứu ngư dân gặp nạn. 15 nhà giàn DK1 đã triển khai kênh thông tin liên lạc cố định kết nối các tàu cá ngư dân, liên hệ chặt chẽ với các lực lượng trên biển sẵn sàng phương án rời nhà giàn khi có lệnh.
Cũng trong sáng 8-11, Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Vùng 2 Hải quân đã triển khai các phương án chống bão và dự kiến một số tình huống xảy ra.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-chu-quan-voi-bao-so-6-20191108231049502.htm