Không chủ quan với bệnh áp xe
ĐBP - Áp xe là bệnh phổ biến và thường gặp trong cuộc sống. Tuy không có số liệu thống kê chính xác do số lượng bệnh nhân mắc phải các loại áp xe tương đối lớn, song nhiều bệnh nhân thường tự ý điều trị tại nhà. Nhưng có thể khẳng định rằng, căn bệnh này có thể phát triển khắp nơi trên cơ thể và nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân điều trị bệnh áp xe tại Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ.
Là tổ chức viêm nhiễm, khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn. Áp xe dễ dàng được nhận diện trên lâm sàng với các đặc điểm như: Một khối mềm, lùng nhùng, da vùng áp xe thường nóng, đỏ, sưng nề, chạm vào thấy đau. Một số triệu chứng khác có thể thấy trên lâm sàng tùy thuộc vào vị trí của các ổ áp xe. Áp xe có thể hình thành ở khắp các vùng trên của cơ thể và được chia làm 2 nhóm chính: Áp xe ở mô dưới da (áp xe da, áp xe nách...) và áp xe bên trong cơ thể (áp xe gan, áp xe não, áp xe thận, áp xe vú...).
Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Thanh, khoa Ngoại (Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Nhiễm trùng là nguyên nhân trực tiếp phổ biến nhất gây ra áp xe. Trong đó, các tác nhân nhiễm trùng gây bệnh gồm vi khuẩn và ký sinh trùng. Biểu hiện lâm sàng của áp xe: Với áp xe nông dưới da sẽ quan sát thấy một khối phồng, da bao phủ lên ổ áp xe đỏ, sưng nề vùng da xung quanh, khi sờ vào có cảm giác nóng, đau, lùng nhùng do chứa mủ bên trong. Với áp xe bên trong cơ thể thì bệnh nhân sẽ gặp phải có triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy kiệt, hốc hác; tùy theo vị trí của ổ áp xe mà bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt cao rét run, đau tức vùng hạ sườn phải trong áp xe gan. Áp xe có thể lây truyền do tác nhân gây bệnh lây lan từ người bệnh sang người lành, đường lây truyền cụ thể thay đổi tùy theo từng nguyên nhân cụ thể.
Một tổ chức áp xe nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng dần lên với tăng kích thước, đau nhiều hơn, xâm lấn rộng ra các mô xung quanh, cuối cùng có thể vỡ. Áp xe ở mô dưới da có thể vỡ ra da và chảy mủ ra bên ngoài, một số trường hợp còn tạo ra đường dò, phá hủy một vùng mô sâu rộng, gây khó khăn cho việc điều trị sau này. Các khối áp xe trong cơ thể cũng có thể vỡ vào ổ phúc mạc, gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể, nặng hơn có thể dẫn tới nhiễm trùng máu. Việc điều trị áp xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phân loại áp xe nông hay áp xe mô dưới da và áp xe sâu bên trong các cơ quan.
Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) đang nằm điều trị áp xe da tại khoa Ngoại, Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ. Mặc dù đây là lần đầu tiên chị Thảo bị bệnh này nhưng để điều trị chị đã phải nằm viện hơn chục ngày. Chị Thảo cho biết: Tôi bị mọc nhọt ở chân, lúc đầu mụn nhỏ, hơi phồng và vùng da xung quanh mụn có biểu hiện sưng và đỏ. Do chủ quan vì nghĩ chỉ là mụn thông thường nên tôi đã tự mua cao dán đông y về dán mụn tại nhà. Sau gần một tuần tự điều trị, mụn nhọt không những không khỏi mà còn sưng to và đau nhức, khiến tôi không thể đi lại được. Sau khi khám, tôi được chuẩn đoán bị áp xe da, bác sĩ cho biết do tôi chủ quan không đi khám sớm nên tổ chức áp xe đã tiến triển nặng và phải điều trị can thiệp ngoại khoa kết hợp dùng thuốc kháng sinh.
Ðể phòng ngừa hiệu quả áp xe, bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh khuyến cáo, mọi người cần thực hiện những biện pháp như: Xây dựng môi trường thiên nhiên sống lành mạnh, bảo đảm vệ sinh tại gia đình và nơi công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt để không bị viêm nhiễm da, viêm đường tiết niệu; cơ chế ăn uống đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường hệ miễn dịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chất thải của người bệnh; không lạm dụng rượu và sử dụng ma túy; tuân thủ điều trị tốt các bệnh lý nhiễm khuẩn, các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường. Khi có các triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ, không nên tự ý điều trị, tránh để tổn thương lan rộng và nặng nề hơn sẽ gây nguy hiểm.