Không chủ quan với bệnh liên cầu lợn
ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do mắc liên cầu lợn.
Theo đó, ca bệnh đầu tiên ghi nhận mắc liên cầu lợn là ông L.V.M. (51 tuổi), bản Xam Măn B, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông). Bệnh nhân nhập viện 6/6, tử vong ngày 7/6. Trước đó, ngày 4/6 bệnh nhân có mổ lợn ốm chết và chế biến ăn thịt tại nhà. Ngày 5/6 bệnh nhân có tham gia giết mổ lợn tại xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, bệnh nhân có chế biến và ăn tiết canh tại bữa ăn, có khoảng 30 người ăn cơm, trong đó có 12 người ăn tiết canh.
Bệnh nhân thứ 2 là S.S.V. (53 tuổi) bản Gia Phú A, xã Na Tông (huyện Điện Biên). Nhập viện ngày 18/7, ngày tử vong 19/7. Gia đình bệnh nhân cho biết, sáng ngày 25/6 ông V. cùng 2 người trong bản tham gia mổ lợn đã chết tại nhà, sau đó chia nhau thịt lợn nấu ăn (luộc và xào ăn), riêng bệnh nhân V. có tự làm món nướng ăn. Ngoài ra còn có 16 người ăn thịt lợn, có địa chỉ cùng bản với ông V..
Liên cầu lợn ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên. Vi khuẩn liên cầu có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người chăm sóc, giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín…
Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Người nhiễm liên cầu khuẩn biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Quá trình diễn biến bệnh lý phụ thuộc vào mầm bệnh và sự đáp ứng của từng cơ thể người bệnh. Các biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng huyết như: Sốt cao liên tục, rét run từng cơn, người mệt nhiều, có thể đại tiện phân lỏng nhiều lần, đau đầu, nôn, ù tai, giảm thính lực hoặc điếc, rối loạn tri giác, trên da xuất hiện ban kiểu tinh hồng nhiệt, ban xuất huyết chấm hoặc mảng. Người bệnh có thể còn bị đau khớp, viêm khớp thanh dịch, hoặc mủ, tổn thương đặc biệt các khớp lớn. Trường hợp nặng thường có thể có xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, hoại tử đầu chi và rối loạn chức năng đông máu.
Nhiễm trùng huyết thường tiến triển nặng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong. Nhiễm liên cầu lợn còn có thể gây ra các bệnh cảnh khác nhau, như viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp...
Để chủ động phòng bệnh liên cầu lợn người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống, đặc biệt là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như: Người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, bán thịt lợn tươi, sống và những người nội trợ trực tiếp chế biến sản phẩm tươi sống từ lợn...
Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết; thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương thì không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc. Không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất. Khi phát hiện tình trạng lợn ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y...