Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TPHCM có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do thành phố đã bước vào mùa mưa nên không thể chủ quan để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, cụ thể là bệnh SXH và tay chân miệng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), gần đây bệnh SXH đang có chiều hướng tăng nhẹ. Hiện trung bình mỗi ngày khoa điều trị khoảng 35 bệnh nhi SXH, trong đó có khoảng 10% là bệnh nhi nặng.

BS Tuấn cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh trở nặng. Có trường hợp sốt nhưng không biết bị SXH nên tự điều trị tại nhà bằng thuốc cảm, sốt thông thường. Một số trường hợp khám tại các phòng khám, cơ sở y tế nhưng chưa được đánh giá, theo dõi những dấu hiệu cảnh báo... Ngoài ra, quá trình khám bệnh nhân viên y tế có thể nhầm lẫn các dấu hiệu của bệnh siêu vi, viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa. Nhất là trẻ dưới 3 tuổi khi mắc SXH thường ho, hắt hơi, xổ mũi, tiêu chảy nên rất dễ nhầm với những chẩn đoán khác.

“Qua thực tế điều trị và thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, số ca mắc SXH có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do TPHCM đã bước vào mùa mưa nên không chủ quan tránh nguy cơ dịch chồng dịch, cụ thể là bệnh SXH và bệnh tay chân miệng” - BS Tuấn thông tin.

BS Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM biết: Sáng 23/8, tại khoa Nhiễm có 14 ca mắc SXH đang được điều trị và không có ca nặng phải nằm cấp cứu. Tuần trước, mỗi ngày đều rải rác có ca phải truyền dịch nhưng chưa ở mức độ cao điểm. Đợt này không có quá nhiều ca nặng như năm ngoái nhưng đã có rải rác những ca nặng có biểu hiện sốc, thất thoát huyết tương nhiều, thậm chí phải truyền chế phẩm máu.

Theo BS Lưu, nhóm tuổi mắc SXH từ nhũ nhi cho đến các bé lớn (14 - 15 tuổi), gặp nhiều nhất là lứa tuổi học sinh. Theo thống kê của HCDC, trong tuần 32 (từ ngày 7 đến ngày 13/8), TPHCM ghi nhận 350 ca mắc SXH, tăng 19,1% so với trung bình 4 tuần trước. Tính từ đầu năm đến 19/8, thành phố ghi nhận 10.847 ca mắc. Các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị 224 ca mắc SXH (113 ca trẻ em). Có 5 ca đang thở máy xâm lấn, đều ở tỉnh chuyển lên và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố; 1 ca đang lọc máu. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

BS Nguyễn Minh Tuấn khuyến cáo, nếu có dấu hiệu sốt từ 2 ngày trở lên, nhất là trong thời điểm mùa mưa cần đến các cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ đánh giá, làm xét nghiệm chẩn đoán, phát hiện kịp thời phòng ngừa biến chứng nặng. SXH chuyển biến nặng từ từ với dấu hiệu xuất huyết, không ăn uống được nhiều, kèm theo nôn nhiều sau đó bệnh sẽ chuyển nặng. Đặc biệt, khoảng “thời gian vàng” trước đó từ 6-12 tiếng nếu không được ghi nhận, điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Với bệnh SXH, 3 ngày đầu đặc trưng của bệnh chỉ là sốt nên đôi khi nhẫm lẫn với những bệnh khác. Thậm chí, bước sang ngày thứ 4, 5 phải làm xét nghiệm máu và theo dõi diễn tiến mới phát hiện mắc SXH. Bên cạnh đó, có những trường hợp phụ huynh tưởng hết sốt là trẻ đã khỏe hẳn, thế nhưng trong các ngày thứ 3, 4, 5, 6 kể cả hết sốt nhưng vẫn nguy hiểm và có nguy cơ trở nặng. Có thể hết sốt nhưng nếu trẻ mệt và khó chịu thì vẫn là nguy cơ nặng và cần đưa trẻ đi khám ngay.

BS Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC cho biết, ngành y tế có ứng dụng y tế trực tuyến, đây là ứng dụng giúp phản ánh những điểm nguy cơ gây dịch bệnh SXH. Người dân có thể chụp ảnh và gửi qua ứng dụng, chính quyền sẽ xử lý ngay trong vòng 48 giờ. HCDC cũng vừa ban hành hướng dẫn mới về việc giám sát điểm nguy cơ gây dịch SXH, địa phương cần rà soát, cập nhật các điểm nguy cơ mới xuất hiện trên địa bàn theo hướng dẫn mới này.

BS Tâm lưu ý thêm, tổng vệ sinh phòng, chống SXH thực chất là làm sao để tránh vật chứa đọng nước, không để phát sinh lăng quăng. Công tác xử lý ổ dịch cần tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế của các trạm y tế và trường học. Bên cạnh đó cần tăng cường quản lý các điểm giữ trẻ tư thục cũng như thực hiện các biện pháp truyền thông hiệu quả.

“Nguy cơ bùng dịch SXH có thể xảy ra nếu chủ quan, lơ là. Chống dịch SXH là trách nhiệm của toàn xã hội, từ các cấp chính quyền, sở ngành, trong đó ngành y tế là hạt nhân, đầu mối hướng dẫn chuyên môn nhưng cần cả sự chung tay của người dân thì việc phòng chống mới có hiệu quả”- BS Tâm nói.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, mỗi gia đình cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, xử lý ao tù nước đọng để lăng quăng và muỗi không còn nơi trú ẩn, sinh sản; sử dụng các sản phẩm như bình xịt muỗi, hương diệt muỗi và kem bôi, tinh dầu đuổi muỗi. Cho trẻ mặc áo dài tay, quần dài, ngủ màn kể cả ban ngày để hạn chế nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe của trẻ và cả nhà.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-chu-quan-voi-benh-sot-xuat-huyet-5726564.html