Không chủ quan với khí độc
Khí hydro sulfide (H2S) là một trong những loại khí độc, nếu vô tình hít phải đa phần nạn nhân sẽ tử vong ngay lập tức. Loại khí này cũng là thủ phạm hồi tháng 5/2023 gây ra cái chết cho 4 người trong một gia đình tại TP Thủ Đức, đồng thời cũng khí độc này, cuối tháng 7 vừa qua gây ra thương vong cho một số công nhân vớt rác dưới cống ngầm tại TPHCM.
Khí hydro sulfide (H2S) nổi tiếng là khí độc, có mùi trứng thối ngửi được khi ở nồng độ thấp (< 30 ppm trong không khí). Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguồn sản sinh ra khí H2S, như suối nước nóng, các hang động, hay khí núi lửa hoặc từ các chất protein bị thối rữa.
Loại khí này có thể được tạo ra từ quá trình phân hủy vi sinh vật hữu cơ bởi vi khuẩn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như giấy, da, nhựa đường, dầu mỏ… xác động vật có thành phần cấu tạo có lưu huỳnh như cá, ở cống rãnh, hồ phân bón sẽ sinh ra khí H2S.
Bên cạnh đó, metan (CH4) cũng là khí độc có thể gây ngộ độc và tử vong tức thì. Cả hai khí H2S và CH4 đều không màu, dễ cháy nổ. Trong đó, H2S là một loại khí độc, không màu, dễ cháy, có mùi trứng thối đặc trưng, độc tính cao hơn carbon monoxide (CO). Còn CH4 là khí phổ biến, dễ cháy, "thủ phạm" gây nhiều vụ ngạt, nổ, xuất hiện nhiều trong hầm lò, bãi rác.
Do đó, bác sĩ Doãn Uyên Vy - Phụ trách Phòng khám Chống độc (Bệnh viện Chợ Rẫy) khuyến cáo người dân không nên đổ xác cá, tôm, cua xuống cống rãnh, toilet. Không được đổ các axit mạnh xuống cống hay toilet lượng nhiều vì sẽ làm xác chết động vật ở dưới cống sinh ra khí H2S nhiều và bốc hơi lên mạnh có thể vào nhà qua đường cống. Không được đặt thực phẩm đang phân hủy để lâu ngày trong phòng có máy lạnh và chật hẹp. Khi nấu nướng phải ở nơi thoáng khí, tránh những tai nạn có thể sinh ra khí độc nguy hiểm chết người.
Để tránh bị ngạt khí độc, các chuyên gia khuyến cáo người dân không tự mình xuống những khu vực hầm cống. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới TPHCM, nếu công việc liên quan đến cống ngầm hoặc những nơi có khả năng bị tác động bởi khí độc hại, cần sự hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật, có thiết bị phòng hộ để đảm bảo an toàn, giảm tác hại của khí độc. Khi làm việc trong không gian hạn chế, cần có phương án dự phòng các tình huống bất thường xảy ra, có khả năng sơ cứu cũng như cấp cứu khi cần.
Nạn nhân bị ngạt khí cần được di chuyển đến nơi thoáng, đánh giá dấu hiệu sinh tồn, đồng thời gọi cấp cứu để xử trí sớm, tránh biến chứng nặng nề. Trong quá trình lao động và sinh hoạt nếu phát hiện mùi trứng thối, là mùi đặc trưng của khí H2S cần đi ra ngoài ngay để đảm bảo an toàn.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ, nồng độ H2S khoảng 400 ppm đến 700 ppm gây nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong khoảng 30 phút. Nồng độ trên 800 ppm, nạn nhân có khả năng mất ý thức và tử vong ngay.
Còn metan (CH4) là khí phổ biến, dễ cháy, "thủ phạm" gây nhiều vụ ngạt, nổ, xuất hiện nhiều trong hầm lò, bãi rác. Khí metan thẩm thấu kém qua da, nạn nhân chủ yếu phơi nhiễm do hô hấp. Các dấu hiệu ngộ độc bao gồm: Buồn nôn, nôn, khó thở, nhịp tim không đều, nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt. Ngộ độc metan còn gây mất phương hướng, thay đổi tâm trạng, cảm giác ngứa ran, mất khả năng phối hợp, nghẹt thở, co giật, bất tỉnh, hôn mê, thậm chí tử vong do thiếu oxy trong máu.
Quá trình phân hủy yếm khí các chất hữu cơ trong cống rãnh còn sinh ra một số chất khí độc hại khác như: Mercaptane (CH3SH), phosphine (PH3), ammonia (NH3), Metylamin (CH3NH2), khiến người tiếp xúc có thể bị ngạt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-chu-quan-voi-khi-doc-5725840.html