Không chủ quan với nguy cơ viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ nhỏ
Nhiều người quan niệm, viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh chỉ bắt gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trẻ nhỏ cũng mắc phải tình trạng này và số lượng đang ngày một gia tăng.
Khoa Nhi (Bệnh viện Bãi Cháy) vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi V.H.C.L. (13 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày, viêm trào ngược thực quản.
Trước đó, trẻ bị đau bụng cơn vùng thượng vị, nôn, đại tiện phân đen. Các bác sĩ đã thực hiện thủ thuật điện đông và tiêm cầm máu qua nội soi dạ dày – thực quản và điều trị chống loét tích cực. Qua 5 ngày điều trị, sức khỏe của trẻ phục hồi tốt và được xuất viện.
BSCKI Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: Gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho không ít trẻ nhỏ dưới 16 tuổi bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ có thể kể đến do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), sử dụng thuốc kháng khuẩn, chống viêm không đúng cách, chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều đồ quá cay nóng hoặc chiên xào, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng nhai không kỹ), căng thẳng kéo dài do áp lực học tập, thi cử….
Theo BS Nguyễn Thị Út - khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, ngoài nguyên nhân do nhiễm HP, việc trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại tạo thói quen xấu cho trẻ làm trẻ mất tập trung khi ăn, ăn phải có điều kiện kèm theo. Trẻ không tập trung vào bữa ăn, làm giảm tiết dịch dạ dày ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
Theo các bác sĩ, đa số trẻ sẽ có những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ kéo dài từng cơn hoặc dữ dội tùy vào vị trí ổ loét, buồn nôn và nôn, chán ăn, ợ chua… Một số triệu chứng nặng như đi ngoài phân đen do chảy máu ổ loét, có những trường hợp trẻ bị chảy máu ổ loét tự cầm được hoặc trường hợp nặng hơn phải can thiệp cầm máu.
Khi bị xuất huyết dạ dày – tá tràng trẻ dễ bị thiếu máu, choáng ngất, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, chống loét tích cực, trẻ có nguy cơ biến chứng thủng dạ dày, dẫn tới viêm phúc mạc, thậm chí tử vong.
Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Vi khuẩn HP có thể lây từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa. Do đó, phụ huynh không bón mớm thức ăn cho trẻ (thổi, nhai đồ ăn rồi bón cho trẻ), chấm chung bát nước chấm…
Trẻ sống trong môi trường khói thuốc lá cũng là một nguyên nhân không chỉ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như hô hấp, tim mạch… Do đó, cần để trẻ tránh xa môi trường ô nhiễm khói thuốc.
Đảm bảo chế biến thức ăn cho trẻ phải được nấu chín, không nên ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ nhiều dầu mỡ, thức ăn sẵn: mì tôm, bim bim, nước uống có ga. Ăn đủ bữa, đúng bữa, không ăn quá no, sau ăn không nên vận động mạnh, buổi tối nên ăn đồ dễ tiêu. Rèn luyện cho trẻ chế độ học tập và ngủ nghỉ điều độ, tránh tạo áp lực điểm số, học tập, thi cử cho trẻ. Trẻ cần được học tập và vui chơi cân bằng, tạo không khí học tập vui vẻ khi đến trường.
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, cho trẻ đi khám sớm khi có những biểu hiện bất thường như đau bụng tái diễn, kéo dài, đau tức thượng vị, ăn khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, mệt mỏi gầy sút cân… Những trẻ đã mắc bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, uống thuốc theo đơn và tái khám theo hẹn.