Không chủ quan với sét trong mùa mưa bão
Mùa mưa bão là thời điểm gia tăng nguy cơ xảy ra sét đánh, đặc biệt khi người dân làm việc ngoài trời. Việc chủ động theo dõi thời tiết, nhận diện dấu hiệu mưa giông và thực hiện đúng các khuyến cáo phòng, tránh sẽ góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Nhiều người thiệt mạng do sét đánh khi làm việc ngoài trời
Vào mùa mưa bão, người dân phải đối diện với nhiều rủi ro thiên tai, trong đó có tai nạn do sét đánh. Theo thống kê từ Cục Đê điều và Phòng, chống thiên tai, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, đã có gần 20 người thiệt mạng do sét đánh tại nhiều địa phương trên cả nước. Phần lớn các trường hợp xảy ra khi người dân đang làm việc hoặc đi lại ngoài đồng, nơi trống trải, không có nơi trú ẩn an toàn.

Vào mùa mưa bão thường xuất hiện nhiều dông sét
Mới đây, tại thôn Quỳnh Đô, xã Đại Thanh, thành phố Hà Nội, một người phụ nữ không may bị sét đánh tử vong khi đang đi ngoài đường trong cơn giông. Sự việc đau lòng thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của hiện tượng sét trong mùa mưa bão.
Tại tỉnh Hưng Yên, những năm qua cũng ghi nhận một số trường hợp người dân bị sét đánh gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Nhiều hộ dân còn bị thiệt hại về tài sản như mái nhà bị tốc, điều hòa, ti vi, quạt điện hỏng hóc sau khi sét đánh trúng hệ thống điện gia đình.

Một hộ dân ở xã Nam Thụy Anh bị sét đánh gây hư hại công trình xây dựng
Thời điểm này, khu vực Bắc Bộ nói chung và Hưng Yên nói riêng, đang bước vào cao điểm mùa mưa giông – thời kỳ thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó sét là một mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ mức độ nguy hiểm của hiện tượng này.
Ông Dương Văn Thái, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện tượng sét thường xảy ra khi có dông, do các luồng khí nóng mang hơi nước bay lên va chạm với các tinh thể băng đi xuống trong các đám mây, tạo nên hiện tượng phóng điện mạnh. Dòng điện trong kênh sét rất lớn, nhiệt độ có thể lên tới 27.700 độ C – đủ sức đốt cháy bất kỳ vật thể nào mà nó đi qua. Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 2 triệu tia sét đánh xuống mặt đất.
Sét thường xuất hiện trước, trong hoặc sau cơn mưa, đặc biệt sau những đợt nắng nóng kéo dài hoặc vào thời điểm giao mùa. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý trong những ngày thời tiết chuyển biến nhanh, trời oi nóng rồi đột ngột chuyển lạnh, xuất hiện mây đen dày đặc, gió mạnh…
Trang bị kiến thức – Chủ động phòng tránh để bảo vệ an toàn
Vì sét là hiện tượng tự nhiên mang tính ngẫu nhiên, không có vị trí hoàn toàn an toàn tuyệt đối để tránh, nên điều quan trọng là người dân cần chủ động phòng ngừa và xử lý đúng cách khi gặp mưa giông.
Theo khuyến cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hưng Yên, người dân cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để nắm bắt các cảnh báo về mưa giông. Khi làm việc ngoài trời, đặc biệt tại những khu vực trống trải như cánh đồng, cần quan sát kỹ điều kiện thời tiết, nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn khi phát hiện có dấu hiệu dông sét. Tuyệt đối không trú dưới cây cao, mô đất cao, gần cột điện cao thế; không cầm các vật dụng bằng kim loại; không tụ tập đông người; không ở gần ao, hồ, sông… Nếu không kịp di chuyển, cần ngồi thấp, thu người, hạn chế tiếp xúc với mặt đất, tuyệt đối không nằm sát đất.

Các biện pháp phòng, chống sét do ngành chuyên môn khuyến cáo
Khi ở trong nhà trong lúc có mưa giông, cần đóng kín cửa ra vào và cửa sổ, rút phích cắm các thiết bị điện tử, không sử dụng điện thoại cố định hoặc các thiết bị đang sạc điện.
Đáng lưu ý, thời điểm này là cao điểm của vụ cấy lúa mùa, thời tiết nắng nóng kéo dài dễ xuất hiện mưa giông bất ngờ. Do vậy, nông dân cần đặc biệt cẩn trọng. Nếu đang làm đồng mà thấy mây đen, gió mạnh, trời chuyển lạnh, cần nhanh chóng về nhà hoặc tìm nơi trú an toàn, không mang theo công cụ lao động bằng kim loại.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người bị sét đánh có thể bị tổn thương nghiêm trọng như: hôn mê, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, bỏng… Nếu nạn nhân vẫn tỉnh táo, cần được ủ ấm, cho uống nước nóng. Trường hợp bất tỉnh nhưng còn thở, tim còn đập thì cần kích thích nhẹ bằng cách gọi tên, lay người, giật tóc. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim thì cần tiến hành thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực, sau đó nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khong-chu-quan-voi-set-trong-mua-mua-bao-3182319.html