Không chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài thuê dự án nuôi trồng thủy sản trên biển
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, trong ngày 16/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Khi thảo luận về Nghị quyết này, các đại biểu cho rằng cần thiết có chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý nhằm phát huy lợi thế đặc thù của địa phương này, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo. Đó là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thực hiện.
Đối với tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý, dự thảo Nghị quyết quy định:
+ Ưu đãi miễn 15 năm và giảm 50% cho thời gian còn lại đối với tiền sử dụng khu vực biển của dự án nuôi trồng thủy sản trên biển
+ Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
Còn đối với tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có dự án nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3-6 hải lý
+ Miễn 15 năm đối với tiền sử dụng khu vực biển
+ Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với các chính sách ưu đãi đối với hoạt động này.
Ông TÔ VĂN TÁM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Biển Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quốc phòng, an ninh. Ban hành chính sách này giúp người dân chuyển đổi phương thức phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản và nuôi biển, đồng thời kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo khi nuôi xa bờ.”
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về điều kiện cấp phép, việc tổ chức thực hiện cũng như công tác bảo vệ môi trường.
Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Khánh Hòa là tỉnh có du lịch phát triển và nhiều ngành kinh tế có liên quan đến vùng ven biển, do đó, tôi đề nghị cần đánh giá tác động có thể xảy ra, quy định chặt chẽ về điều kiện cấp phép và hoạt động nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ môi trường biển.”
Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Đề nghị quy định chặt chẽ việc thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động khu vực biển được giao cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản, nhưng không được sử dụng đúng mục đích và cũng không được chuyển nhượng dự án cho người nước ngoài thuê đề phòng hậu quả xấu có thể xảy ra.”
Ông NGUYỄN QUỐC HẬN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: “Tôi ủng hộ cao cơ chế đặc thù này cho Khánh Hòa. Tuy nhiên, đi đôi với giao quyền hạn, đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong tổ chức thực hiện, nghiêm cấm việc chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài thuê lại.”
Hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ trong khu vực biển 3 hải lý, quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy, chính sách này sẽ khuyến khích đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, gia tăng giá trị, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia.