Không có bãi tập kết, rác bủa vây đường Hồ Chí Minh
Không bãi tập kết rác, khu xử lý rác thải sinh hoạt cũng chưa được triển khai xây dựng khiến tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trở thành nơi 'xả thải'.
“Bài toán” xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt ở địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sau nhiều kỳ họp đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải. Trong khi đó, bãi tập kết rác trên địa bàn huyện không có nên lượng rác tồn động, ùn ứ khiến nhiều tuyến đường bất đắc dĩ trở thành nơi “xả thải”.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm nay qua, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua khối phố 18, thị trấn Hương Khê trở thành nơi xả rác của người dân địa phương. Những khối lượng rác thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối, ruồi bâu kín nằm ngay trên tuyến đường Hồ Chí Minh không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Theo người dân thị trấn Hương Khê, từ năm 2017 khi bãi chôn lấp rác tự phát ở xứ đồng Trại Lợn quá tải, buộc phải đóng cửa, hàng tấn chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện không có chỗ xử lý dẫn đến ứ đọng, rác ngập tràn khắp phố, làng. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân phân loại và xử lý rác thải tại nhà.
“Tuy nhiên việc xử lý phân loại rác không phải ai cũng làm được. Một số người cứ đêm đến là kéo cả xe ra dọc đường để đổ vì tại huyện chưa có bãi rác tập kết. Chúng tôi mong sao có hướng xử lý, nếu như chưa xây dựng được nhà máy phải có một điểm tập kết rác chứ để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường”, bà Trần Thị Long (trú thị trấn Hương Khê) cho hay.
Trong thời gian qua, để giảm thiểu tình trạng rác thải trên địa bàn, UBND huyện Hương Khê đã trích ngân sách để thuê các đơn vị môi trường chở rác đi xử lý tại các điểm tập trung ở huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau đó vào Quảng Bình và đến thời điểm hiện tại phải chở đến huyện Nam Đàn (Nghệ An) để xử lý vì các điểm xử lý tập trung trong tỉnh đều từ chối.
Ông Nguyễn Xuân Quyền – Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết, việc người dân mang rác vứt dọc đường Hồ Chí Minh kéo dài nhiều năm nay do địa bàn chưa có bãi tập kết rác tập trung, nhà máy xử lý rác chưa được triển khai xây dựng. Trong thời gian qua, UBND huyện tự lấy kinh phí để thuê người thu gom và đưa rác đi xử lý tại các khu xử lý rác tập trung. Bình quân mỗi tuần sẽ thu gom 2-3 chuyến đưa đi nơi khác xử lý.
Theo ông Quyền, hiện tại rác thải trên địa bàn phải vận chuyển sang huyện Nam Đàn (Nghệ An) để xử lý với giá 1 triệu đồng/tấn rác. Riêng trong năm 2019, UBND huyện phải chi 2,7 tỷ tiền thuê vận chuyển rác đi xử lý.
“Số tiền này rất lớn so với ngân sách của huyện. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ là giải phát tạm thời, còn địa phương đang chờ chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh để xử lý. Trước mắt đang hướng làm một bãi tập kết rác cố định, tuy nhiên để đặt một điểm tập kết rác cũng gặp khó khăn vì người dân không đồng tình”, ông Nguyễn Xuân Quyền cho hay.
Một số hình ảnh Tiền Phong ghi nhận tại dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua TT Hương Khê.