'Không có bất cứ thí sinh nào bị bỏ lại phía sau'
Sau ngày đóng cổng Cuộc thi sáng tác và trình diễn âm nhạc Tinh Ting Tinh, hai nhạc sĩ Lê Minh Sơn và Giáng Son đã chia sẻ về những dấu ấn ở vòng loại và hành trình tiếp theo đầy kịch tính.
Những nhân tố mới có thể “kích nổ”
Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn - Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi sáng tác và trình diễn âm nhạc Tinh Ting Tinh, tính đến ngày 5/12 khi đóng cổng dự thi, ban tổ chức đã nhận được hơn 2.320 thí sinh đăng ký, với gần 825 thí sinh đúng tiêu chí của chương trình và 904 tác phẩm đăng ký dự thi (miền Bắc: 330, miền Trung: 220, miền Nam: 354).
Trong đó có những gương mặt mới, những nhân tố có thể “kích nổ”, các bạn trẻ rất giỏi khi tự sáng tác, tự trình diễn, tự thể hiện phong cách. Nếu có một sân chơi hay nói đúng hơn là bệ đỡ hiệu quả nhiều thí sinh chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong đời sống âm nhạc. “Hãy trao cho lớp trẻ những cơ hội, các bạn sẽ biết nắm lấy và bùng cháy. Âm nhạc là biểu cảm tâm hồn của mỗi người”, nhạc sĩ cho hay.
Nhạc sĩ Giáng Son - thành viên Ban giám khảo bày tỏ sự thán phục trước một số bài thi cả trong Nam lẫn ngoài Bắc hội tụ nhiều yếu tố: tính Việt Nam đậm đặc nhưng lại hòa cùng nhịp đập của thời đại. Nhiều thí sinh rất giỏi ứng dụng công nghệ vào việc sáng tác và biểu diễn, đem lại những hiệu ứng nghệ thuật cao.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy không ít phần dự thi chất lượng mang hơi thở hiện đại, văn minh. Chủ đề về tình yêu quê hương đất nước khá khó nhưng sáng tác của các bạn rất trẻ trung, tươi mới, tiết tấu bắt tai. Có những tiết mục thậm chí hay hơn nhiều ca khúc tràn ngập trên thị trường bây giờ. Tôi thực sự vui sướng khi góp phần tìm ra những ‘viên ngọc” dẫu còn thô mộc nhưng hứa hẹn sẽ phát sáng sau khi được mài giũa cẩn thận”, nữ nhạc sĩ nhận xét.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet là: Liệu trong cuộc thi Tinh Ting Tinh có trường hợp nào được đặc cách vào vòng trong không, nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định: “Đây là một cuộc chơi khắc nghiệt nhưng hết sức công bằng, các thí sinh được thỏa sức thể hiện khả năng và sức sáng tạo. Yếu tố học thuật không phải là tất cả, bởi nếu thiếu chất liệu đời sống thì không thể tạo nên một tác phẩm giá trị. Chúng tôi chọn lọc và chấm thi hết sức công tâm, không có bất cứ lá phiếu ưu tiên hay trường hợp ngoại lệ nào. Suốt quãng thời gian vừa rồi, tôi chờ đợi mãi mà không thấy có một cuộc điện thoại ‘gửi gắm’ nhờ vả nào (cười)”.
Đánh giá về chất lượng bài thi cũng như xu hướng âm nhạc mà các thí sinh thể hiện, cả hai nhạc sĩ đều cho rằng: “Thực sự bên cạnh niềm hứng khởi khi được nghe nhiều ca khúc tươi mới, gửi gắm đến những khát vọng được sống và yêu thương, đậm chất dân gian và mang cá tính riêng, chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy một số tác phẩm viết về tình yêu của giới trẻ nhưng… tiêu cực và có cái kết buồn quá".
Các thí sinh còn rất nhiều cơ hội để tỏa sáng
Khi được hỏi: Ban tổ chức cuộc thi có kế hoạch gì với hơn 1.000 thí sinh phải dừng bước ở vòng loại? nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết: “Tôi sẽ nói với các bạn rằng: hãy viết tiếp, viết nhiều nữa đi, ‘trăm bó đuốc cũng vớ được một con ếch’, đừng tự hạn chế khả năng của bản thân. Tinh Ting Tinh là một cuộc chơi đòi hỏi kỹ năng toàn diện, có những thí sinh viết nhạc hay nhưng không thể trình diễn hấp dẫn và chúng ta phải tuân theo luật chơi đề ra. Song tôi tin rằng không chỉ vì một cuộc thi mà các thí sinh ấy sẽ dừng bước, viết là một hình thức tập thể dục bằng trí não không mệt mỏi. Và với khả năng sáng tác đó, niềm đam mê cháy bỏng đó, các bạn còn rất nhiều cơ hội để tỏa sáng”.
Theo nhạc sĩ Giáng Son, đáng tiếc là có những bài thi rất hay nhưng người sáng tác không thể trình diễn thành công để làm nổi bật ca khúc đó. Ngược lại, một số thí sinh có hình thức đẹp, giọng hát truyền cảm nhưng phần sáng tác bị đuối. “Tinh Ting Tinh là một cuộc thi rất khó, đòi hỏi sự toàn diện, thí sinh phải đóng đủ hai vai, do đó nếu phải dừng lại ở vòng sơ khảo thì các bạn đừng buồn. Hãy coi đây là một sân chơi, một sàn đấu để mỗi người có cơ hội đánh giá lại kỹ năng của mình. Sau cuộc thi này, biết đâu nhiều bạn trẻ sẽ lựa chọn được một trong hai hướng đi rõ ràng: làm ca sĩ trình diễn trên sân khấu hoặc nhạc sĩ sáng tác đứng trong hậu trường”.
Ban giám khảo cũng bật mí về những vòng thi tiếp theo: “Chúng tôi sẽ huấn luyện các thí sinh theo từng bước: trước mắt là đào tạo online, trao đổi chỉnh sửa từng nốt nhạc, hòa âm phối khí thế nào; tiếp đến là luyện tập trên sân khấu, ghép và dàn dựng với ban nhạc; tư vấn định hướng phong cách biểu diễn từ trang phục đến kỹ năng trình diễn. Đặc biệt là sẽ có những thước phim sống động ghi lại hành trình chinh phục ước mơ trong âm nhạc của mỗi thí sinh từ lúc bỡ ngỡ đến với cuộc thi cho đến khi gặt hái trái ngọt đầu mùa.
Ê-kíp đặc biệt chú trọng khai thác nội tâm của thí sinh, kể cả những xung đột, tranh cãi với Ban giám khảo trong quá trình hoàn thiện các tiết mục dự thi. Đó là chất liệu đời thực thú vị và thể hiện bản ngã của mỗi người. Từ vòng bán kết, mỗi khu vực lựa chọn 16 người, vào đến chung kết là 8 thí sinh và cuối cùng sẽ có 3 người thắng cuộc. Cuộc thi này thực sự công tâm khi vừa có sự đánh giá về chuyên môn của Ban giám khảo, sự bình chọn ca sĩ/nhạc sĩ/bài hát yêu thích của khán giả”.
Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn, âm nhạc hay văn hóa nghệ thuật nói chung không bao giờ phát triển theo GDP. Có những bài hát nổi tiếng, có những ca sĩ nổi danh mà hàng trăm năm chưa có được. Nhưng nói thế không có nghĩa là không chú trọng đào tạo ra các lứa nghệ sĩ mới. Những nghệ sĩ đàn anh đàn chị phải có sứ mệnh tiếp nối dòng chảy âm nhạc của thời đại.
“Chúng tôi đã lập kế hoạch chi tiết cho từng bạn thí sinh có tiềm năng từ việc hỗ trợ ra album, tổ chức show diễn, chiến lược dài hơi để khẳng định tên tuổi… Chắc chắn tốn kém về thời gian, công sức nhưng tôi tin rằng sẽ có những đồng nghiệp tâm huyết chung tay làm công việc ý nghĩa này. Nhất định không có thí sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-co-bat-cu-thi-sinh-nao-bi-bo-lai-phia-sau-2225031.html