Không có chính sách chuyên biệt, khó tạo 'đòn bẩy' cho công nghiệp văn hóa

Khẳng định vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong gìn giữ bản sắc, phát huy tiềm năng to lớn về kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, sức cạnh tranh trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn lép vế so với nhiều quốc gia, cũng như chưa thu hút được nhiều nguồn lực do thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt.

Bất cập trong cập nhật và thực thi chính sách

“Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 6,02% tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế năm 2019. Sau hai năm suy giảm (2020 - 2021), các ngành này đang có xu hướng phát triển tốt trở lại với đóng góp GVA là 4,04% vào năm 2022” - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hoàng chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo”, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và VietNam Design Group phối hợp tổ chức sáng 26.9.

Cần chính sách, ưu đãi cụ thể phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: VN+

Cần chính sách, ưu đãi cụ thể phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: VN+

Theo ông Trần Hoàng, trong giai đoạn 2018 - 2022, các ngành này đã thu hút lực lượng lao động trung bình khoảng 2,9 - 3,8 triệu người (chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm). Số lượng doanh nghiệp văn hóa năm 2019 là 69.166 đơn vị, chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp. Năm 2022 số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa khoảng 70.321 cơ sở.

Qua các nghiên cứu cho thấy các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế. TS. Mai Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng,để thực hiện được điều đó, một mặt đòi hỏi sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, mặt khác, cũng cần thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

“Nhà nước có chủ trương xã hội hóa từ năm 2008, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với một số loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong ngành văn hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách đó chưa hiệu quả” - TS. Mai Thùy Hương nhấn mạnh.

Thực tế, những năm gần đây, nhận thức rõ được những bất cập và hạn chế trong cập nhật và hiệu quả thực thi chính sách ưu đãi đối với các ngành văn hóa và sáng tạo, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực điều chỉnh. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu để đề xuất cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển, cụ thể là ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa...

Tạo ưu thế cho công nghiệp văn hóa Việt

Nhận định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn, ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, cho rằng, một số lĩnh vực nên tập trung xử lý ngay. Trong điện ảnh - lĩnh vực được coi là mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam, ngoài nguồn thu từ việc làm phim, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, còn giúp chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái điện ảnh. Một trong những chính sách mà các quốc gia thành công đã thực hiện bao gồm các ưu đãi về thuế, quy trình cấp thị thực, cấp phép quay phim nhanh chóng, thuận lợi.

Nội dung số cũng là lĩnh vực phát triển nhanh chóng gần đây, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới. Nhờ đó, không ít sản phẩm văn hóa của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, điều tưởng chừng không thể với các sản phẩm truyền thống. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn lĩnh vực này, ngoài hỗ trợ về pháp lý, cần thiết có ưu đãi như tín dụng, thuế… với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu nội dung số, giúp họ có ưu thế trên “bàn cân” cạnh tranh đấu thầu với các đơn vị nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm tới các không gian văn hóa sáng tạo, trong đó khai thác các thiết chế văn hóa công đang có; giải quyết việc thiếu không gian văn hóa công cộng. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng công nghiệp, có các khu công nghiệp văn hóa…

Hiện nay các khoản tài trợ cho văn hóa đều dưới dạng quảng cáo. Việc hiến tặng hiện vật, tác phẩm… gặp nhiều rào cản. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đưa ra các quy định, chính sách ưu đãi cụ thể nhằm thúc đẩy tài trợ, hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Tuấn Anh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam góp ý, Nhà nước cần chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhất là với các sản phẩm phát hành trên môi trường số. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ khối sáng tạo như ưu đãi về thuế; chuyển từ đầu tư cho khối sản xuất, sang tập trung hỗ trợ việc thụ hưởng của công chúng; đầu tư các lĩnh vực khó sống sót trong điều kiện thị trường như nghệ thuật cổ truyền…

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, năm nay, một trong những trọng tâm trong xây dựng và tư vấn chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả chính là nghiên cứu, đề xuất những đổi mới về cơ chế ưu đãi chuyên biệt đối với người thực hành và doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/khong-co-chinh-sach-chuyen-biet-kho-tao-don-bay-cho-cong-nghiep-van-hoa-i344502/