Không có chuyện mất tiền khi nghe điện thoại số lạ

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin khẳng định, các đối tượng không thể xâm nhập, đánh cắp dữ liệu trên điện thoại người dùng nếu chỉ gọi điện từ số lạ.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những thông tin giả, sai sự thật cho rằng chỉ nhấc máy 5 giây khi nghe đầu số điện thoại lạ là người dùng sẽ mất ngay tiền, với các nội dung như: “nhấc máy 5 giây bay luôn 1,2 triệu”, “nghe điện thoại đầu số 059 sẽ bị mất tiền”… Đáng lo hơn, chỉ trong thời gian rất ngắn, những tin giả này được lan truyền với tốc độ nhanh nhanh chóng và gây hoang mang cho không ít thuê bao điện thoại.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khẳng định các thông tin lan truyền trên mạng về việc người dùng bị mất tiền khi nhận cuộc gọi từ số lạ là hoàn toàn sai sự thật.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khẳng định các thông tin lan truyền trên mạng về việc người dùng bị mất tiền khi nhận cuộc gọi từ số lạ là hoàn toàn sai sự thật.

Trong thông tin mới chia sẻ trên Cổng không gian mạng quốc gia, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khẳng định, những thông tin lan truyền trên mạng khiến nhiều người lầm tưởng khi bắt máy gọi từ đầu số lạ sẽ bị trừ tiền, mất dữ liệu là hoàn toàn sai sự thật.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho hay, đây chỉ là những số điện thoại thông thường, và việc nhận cuộc gọi sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng với người dùng.

Trong trường hợp gọi lại hoặc thao tác theo hướng dẫn như bấm phím số 1, 2… từ cuộc gọi của một số thuê bao, người dùng có thể bị trừ cước viễn thông. Dẫu vậy, các đối tượng không thể xâm nhập được điện thoại của người dùng khi chỉ thực hiện thao tác nhận cuộc gọi.

“Việc mất dữ liệu cá nhân, danh bạ, thẻ ngân hàng có thể xảy ra trên không gian mạng trong trường hợp kẻ gian gửi kèm một liên kết lừa đảo, dẫn dụ người dùng nhấp vào có thể bị dính phần mềm độc hại hoặc bị chuyển hướng đến các trang web lừa đảo, đánh cắp thông tin”, chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia phân tích.

Vấn nạn tin giả xuất hiện trên mạng xã hội gây hoang mang, lo sợ trong lòng người dân đã và đang được cơ quan chức năng áp dụng phương pháp xử lý triệt để. Các chuyên gia cho rằng, bản thân người dân cũng cần trang bị kiến thức về an toàn thông tin để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, việc chỉ tiếp nhận cuộc gọi từ đầu số lạ sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng với người dùng. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt)

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, việc chỉ tiếp nhận cuộc gọi từ đầu số lạ sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng với người dùng. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt)

Hồi cuối năm ngoái, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng mạng Internet có kiến thức tổng quan, cần thiết để ứng phó và xử lý có hiệu quả tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ra mắt “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.

Bộ TT&TT cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm xử lý tin giả. Khi nghi ngờ nội dung thông tin trên mạng là tin giả, sai sự thật, người dùng Internet có thể gửi phản ánh tới Trung tâm này qua trang web tingia.gov.vn, thư điện tử online.abei@mic.gov.vn hoặc số điện thoại 18008108.

Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhận định, tin giả tồn tại như rác, quét hết rác lại có rác mới, do đó cần phải được quét thường xuyên.

Cơ quan này cũng cho hay, tình trạng lan truyền, phát tán tin giả vẫn còn diễn biến phức tạp, quy trình, thời gian xác minh tin giả còn chậm trễ. Việc các cơ quan chức năng có liên quan xác minh và cung cấp thông tin càng chậm sẽ là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật trên mạng, cụ thể là: xây dựng cơ chế phối hợp, ký kết các biên bản hợp tác giữa Bộ TT&TT và các bộ, ngành, Sở TT&TT để tăng cường trao đổi, xác minh thông tin, xử lý vi phạm; phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để các nền tảng xuyên biên giới phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng...

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-co-chuyen-mat-tien-khi-nghe-dien-thoai-so-la-2136379.html