Không có chuyện nhà mạng Việt Nam bị 'ép' trong việc sửa chữa cáp quang biển

Như đã thông tin, cả 4 tuyến cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) kết nối internet Việt Nam đi quốc tế bị sự cố và cùng lúc chưa thể khắc phục.

Đây được coi là sự cố hy hữu, bất khả kháng với các nhà mạng trong nước. Điều đáng chú ý ở chỗ, khác với những sự cố trên tuyến cáp quang biển lần trước, việc sửa chữa, khắc phục được thực hiện khá nhanh, còn lần này, mới chỉ có kế hoạch sửa chữa của 3 tuyến APG, AAG, IA (thực hiện từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4-2023). Tuyến AAE-1 chưa có lịch sửa chữa, khiến chất lượng dịch vụ không bảo đảm, ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng trong nước.

Số lượng tàu sửa chữa cáp biển còn hạn chế và một số khó khăn trong thủ tục cấp phép tại các nước trong khu vực khiến việc sửa chữa bị chậm.

Số lượng tàu sửa chữa cáp biển còn hạn chế và một số khó khăn trong thủ tục cấp phép tại các nước trong khu vực khiến việc sửa chữa bị chậm.

Trao đổi với Báo Hànôịmới về nguyên nhân chậm trễ sửa chữa, bà Bùi Thị Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm kinh doanh quốc tế - Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) cho biết, có một thực tế là hiện nay, số lượng tàu sửa cáp trong khu vực đang rất hạn chế, trong bối cảnh sự cố đang nhiều lên. Đồng thời, việc cấp phép cho tàu vào sửa cáp ở một số quốc gia cũng chậm hơn trước đây. Tuy vậy, không có chuyện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Việt Nam bị “ép” trong việc đầu tư, khai thác cáp quang biển.

Vì sự cố cáp biển xảy ra hiện nay không ở vùng biển Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, mà xảy ra ở khu vực vào các hub IP lớn như Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, do đó, tất cả nhà mạng đầu tư ở các nước đều bị mất dung lượng.

Nguyên nhân thứ 2, hoạt động của hội đồng đầu tư 1 tuyến cáp biển dựa trên cơ chế hợp tác, đồng thuận, cùng biểu quyết, không phải quan hệ mua bán giữa người mua và nhà cung cấp. Tư cách thành viên là bình đẳng, cùng chung tiếng nói, quyền lợi và trách nhiệm…

Cũng theo bà Bùi Thị Kiều Oanh, hiện tại, cả 4 tuyến cáp biển của Việt Nam đang gặp sự cố là AAG, APG, AAE-1 và IA. Tuy nhiên, dung lượng quốc tế của Viettel vẫn đang được bảo đảm cho khách hàng. Lý do là dung lượng quốc tế của Viettel vẫn còn trên các hướng cáp biển AAE-1 (nhánh đi Singapore), IA (nhánh đi Hong Kong thuộc Trung Quốc) và trên 3 hướng cáp đất liền khác: Kết nối qua Trung Quốc đi Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia đi Singapore và cáp qua Lào đi Singapore. Trong khi đó, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) chính là 2 hub IP lớn của thế giới. Ngoài ra, dung lượng trên nhánh đi châu Âu và Mỹ của Viettel cũng vẫn đang được bảo đảm. Vào một số khung giờ cao điểm, khi nhu cầu người dùng tăng đột biến, không tránh khỏi trường hợp bị nghẽn. Bộ phận trực chăm sóc khách hàng và vận hành khai thác của Viettel 24/24 hỗ trợ khách hàng.

Châu Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/1055109/khong-co-chuyen-nha-mang-viet-nam-bi-ep-trong-viec-sua-chua-cap-quang-bien