'Không có gì mà chúng ta không thể vươn tới'

(QT xuân) - Tháng 9/2019, nhà văn XUÂN ĐỨC vinh dự được lựa chọn tham gia Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất diễn ra tại Kazakhstan. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cá nhân ông. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Xuân Đức về chuyến đi đặc biệt này.

- Thưa nhà văn Xuân Đức! Được biết, vừa qua ông là một trong hai đại diện của Việt Nam vinh dự tham gia Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất tại Kazakhstan. Ông đến với diễn đàn lớn này như thế nào?

- Tôi được Hội Nhà văn cử tham gia Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất tại Kazakhstan với tư cách là đại biểu chính thức và làm trưởng đoàn nhà văn Việt Nam vì hội đủ tiêu chuẩn mà ban tổ chức đưa ra. Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất rất đặc biệt. Ban tổ chức chỉ mời nhà văn ở châu Á từng nhận giải Nobel hoặc được đề cử nhận giải Nobel, đạt những giải thưởng lớn quốc tế khác như giải Man-booker hoặc giải thưởng quốc gia của các nước… Lúc đầu, Hội Nhà văn Việt Nam định cử thêm một nhà văn khác cũng đã có giải thưởng nhà nước đi cùng tôi. Tuy nhiên, vì tôi không thể tự giao dịch bằng tiếng Anh nên Chủ tịch Hội cử nhà văn trẻ Kiều Bích Hậu, một cán bộ giỏi tiếng Anh, hiện là cán bộ ban đối ngoại của hội đi cùng để trợ giúp khâu dịch thuật.

- Trong diễn đàn, cùng với hơn 100 nhà văn nổi tiếng đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, ông đã tham gia những hoạt động gì?

- Đoàn đại biểu nhà văn Việt Nam tham gia đầy đủ các hoạt động của Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất. Trước tiên là tham dự ngày khai mạc trọng thể tại cung hội nghị của Thủ đô Nur Sultan. Trong ngày khai mạc đó, Tổng thống Kazakhstan Kassum Jomari Tokayev đã đọc bài diễn văn rất quan trọng nêu lên ý nghĩa của sáng kiến Diễn đàn Các nhà văn châu Á; chia sẻ nhận thức mới về vị trí của châu Á đối với thế giới; đưa ra những khuyến nghị và đề nghị cụ thể cho giới hoạt động văn học của châu lục trước sứ mệnh phải đưa tầm vóc châu Á lên sánh ngang các châu lục khác... Ông còn đưa ra những đề nghị cụ thể khác về cơ chế hoạt động của Diễn đàn Các nhà văn châu Á để các đại biểu thảo luận. Ngoài diễn văn của Tổng thống, trong ngày đầu tiên, các đại biểu còn nghe 11 tham luận của những nhà văn nổi tiếng được đề cử đạt giải Nobel, giải Man-booker và các lãnh đạo Liên minh Nhà văn nước chủ nhà. Sau ngày khai mạc, diễn đàn tổ chức các diễn đàn nhỏ hơn. Tôi tham gia đầy đủ các sinh hoạt đó. Còn nhà văn Kiều Bích Hậu còn tham gia diễn đàn dành cho 20 nhà văn trẻ.

- Điều gì để lại ấn tượng lớn nhất đối với ông khi tham gia Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất?

- Có rất nhiều ấn tượng tốt. Trước hết, tôi cảm nhận rất rõ khát vọng của các nhà văn châu lục muốn có được điều kiện để hòa nhập, sánh ngang với nền văn học các châu lục khác. Và để đạt được điều đó, các nhà văn châu Á phải tìm mọi biện pháp để mau chóng đưa được văn học của châu lục mình phổ biến ra thế giới. Đó chính là khâu dịch thuật, một khâu yếu nhất, khó khăn nhất của các quốc gia. Riêng với Việt Nam thì đây cũng là nút thắt khó nhất mà rất nhiều năm qua, Hội Nhà văn dù rất cố gắng nhưng vẫn còn “lực bất tòng tâm”. Tôi có trao đổi riêng với một nhà văn Malaysia, ông ấy cho biết, Malaysia nhiều năm trước cũng bị như vậy. Tuy nhiên, gần đây, chính phủ nước bạn nhận ra được điểm yếu này nên đã có giải pháp. Cụ thể, Chính phủ Malaysia đã thành lập Viện Dịch thuật, chi ra ngân sách để từng bước dịch hết tất cả các tác phẩm ưu tú của đất nước họ ra với thế giới. Kết thúc Diễn đàn Các nhà văn châu Á, các đại biểu đã đi đến nhất trí hình thành một thư viện điện tử để lưu giữ, phổ cập và luân chuyển các tác phẩm ưu tú của các nhà văn châu Á, rồi dịch nó ra 17 thứ tiếng để dịch chuyển văn học châu lục ra thế giới. Tuy nhiên, tất cả các tác phẩm muốn đưa vào thư viện này cũng phải bằng văn bản tiếng Anh chứ không thể dung nạp được tiếng bản địa. Vì thế, với các nhà văn Việt Nam vẫn tiếp tục là bài toán khó.

 Nhà văn Xuân Đức chia sẻ về những trải nghiệm của mình sau khi tham dự Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất tại Kazakhstan. Ảnh: T.L

Nhà văn Xuân Đức chia sẻ về những trải nghiệm của mình sau khi tham dự Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất tại Kazakhstan. Ảnh: T.L

- Trong diễn đàn, các đại biểu có dịp chia sẻ về văn học nước nhà và bản thân. Xin ông cho biết điều mà mình chia sẻ với bạn bè quốc tế?

- Tôi không tự nói gì về bản thân. Tuy nhiên, nhà văn Kiều Bích Hậu có giới thiệu tôi với các nhà văn nước chủ nhà và các nhà văn quốc tế khác về tôi. Cô ấy nói tôi là tiểu thuyết gia nổi tiếng này nọ, rồi cũng nói theo cách quảng bá về tiểu thuyết “Người không mang họ”, tác phẩm đang được trưng bày tại quầy sách vinh danh tác phẩm văn học châu Á. Cần hiểu rằng, trong không gian diễn đàn này, vì vị thế của Hội Nhà văn Việt Nam nên cô ấy phải nói quá lên thế cho nó “sang”. Ngược lại, tôi cũng có nói với các nhà văn khác về Kiều Bích Hậu là một nhà văn trẻ xuất sắc và nổi tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam. Kể ra cũng có chút ngượng nhưng vì thể diện chung đành phải vậy.

- Chuyến đi Kazakhstan tham dự Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần thứ nhất có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Rất có ý nghĩa. Trước hết là dịp rất hiếm và quý để có thể được gặp, tiếp xúc với những nhà văn nổi tiếng trong toàn châu lục. Riêng về khu vực Đông Nam Á, tôi đã có thể nói là kết thân được với Chủ tịch Hội Nhà văn Lào, nữ nhà văn xinh đẹp Thái Lan… và một số nhà văn khác. Ý nghĩa thứ hai là tôi cũng nhận thức thêm về trách nhiệm mới cao hơn đối với một nhà văn, không chỉ hướng đến độc giả quốc gia mình mà cần nghĩ đến độc giả trong châu lục và độc giả trên thế giới.

- Vừa trở về từ Kazakhstan, ông đã được lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mời đến nói chuyện với lãnh đạo tỉnh và văn nghệ sĩ trên địa bàn về chuyến đi của mình. Ông cảm thấy như thế nào khi nhận lời mời này và tham gia buổi nói chuyện?

- Tôi rất cảm động và rất biết ơn về sự quan tâm và nhiệt tình của lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng như sự có mặt của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành liên quan và rất đông anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh. Đó là sự trân trọng không phải chỉ với cá nhân tôi mà là trân trọng sự lao động sáng tạo của giới văn nghệ sĩ. Tôi cũng cảm nhận được khát vọng muốn tiếp nhận rộng hơn về kiến thức, về thông tin và khát vọng muốn vươn tầm xa hơn của anh em văn nghệ sĩ Quảng Trị.

- Thông điệp lớn nhất mà ông muốn chuyển đến mọi người, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trên địa bàn là gì?

- Quảng Trị là một tỉnh nhỏ và nghèo. Tuy nhiên, tôi đã hơn một lần nói rằng, không hề có một nền văn hóa tỉnh nhỏ, một nền văn học tỉnh nhỏ. Thực tiễn của sự phát triển văn hóa nói chung, thành tựu văn học nghệ thuật nói riêng của Quảng Trị trong nhiều năm qua trên hành lang văn học cả nước đã chứng minh điều đó. Qua việc được tham dự Diễn đàn Các nhà văn châu Á lần này, tôi càng khẳng định rằng, không có gì mà chúng ta không thể vươn tới, không thể đạt được, chỉ cần chúng ta có khát vọng, có ước mơ và biết lao động sáng tạo hết mình.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145635