Không có kiến thức quản lý, Giáo sư, Tiến sĩ đừng ngồi vào 'ghế nóng'
'Người giỏi chuyên môn đều có thể làm quản lý và hoàn toàn có thể trở thành người làm quản lý giỏi nếu được đào tạo, bồi dưỡng và có đủ điều kiện', ông Cuông nói.
Đấu thầu là bài toán thử thách người giỏi
Những lùm xùm gần đây liên quan đến sai phạm đấu thầu thiết bị trong lĩnh vực giáo dục, y tế… đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Không chỉ tính chất, thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng của các sai phạm khi được phát hiện, khởi tố mà những vụ án này còn liên quan đến những người có chuyên môn giỏi hàng đầu một số lĩnh vực.
Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII cho biết: “Thời kỳ kinh tế mở cửa thì đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy trình là một trong những hình thức mang lại lợi ích cho đất nước và xã hội, đặc biệt là những người tiêu dùng, người sử dụng, nhân dân.
Tuy nhiên, đó cũng được xem là ‘miếng bánh’ khiến nhiều người không đủ bản lĩnh, tâm không sáng, dễ mắc vào cám dỗ của đồng tiền mà gây ra nhiều sai phạm”.
Nhìn nhận từ vụ án khởi tố, điều tra đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội, cho đến khi bị khởi tố là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hay trước đó là hàng loạt sai phạm của các nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Thanh Hóa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, ông Lê Văn Cuông đánh giá càng người giỏi thì càng dễ có cơ hội thực hiện những sai phạm. Bởi những người giỏi nhưng tâm không sáng thì tài năng của họ sẽ trở thành công cụ cho việc tham nhũng, sai phạm xảy ra.
“Ngay trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn, trước đó là một bác sỹ giỏi, thầy thuốc giỏi, lăn xả chống dịch, có cống hiến nhiều cho nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, lại rơi vào vòng lao lý liên quan đến sai phạm ở vị trí là người quản lý tại bệnh viện.
Điều này rất đáng tiếc, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có những người giỏi như vậy. Để một con người bình thường trở thành một nhân tài phải mất rất nhiều thời gian, bồi dưỡng, đào tạo… nhưng chỉ cần bản lĩnh không vững vàng thì nhân tài có thể biến thành kẻ tội đồ. Vì vậy, có thể nói đấu thầu hay những gì liên quan đến quản lý ngoài chuyên môn có thể là bài toán khó để thử thách những người giỏi chuyên môn”, ông Cuông cho hay.
Có hai lĩnh vực được cả xã hội suy tôn làm bậc thầy là thầy giáo và thầy thuốc và từ xưa tới nay, rất ít khi có những sai phạm liên quan đến kinh tế ở hai lĩnh vực này bị phát hiện và xử lý. Ông Lê Văn Cuông đặt câu hỏi, phải chăng vì cơ chế thị trường quá nhanh mà những người làm chuyên môn không bắt kịp được hay họ nghĩ với các lĩnh vực này công tác kiểm soát thường chủ quan hơn để họ có cơ hội nhập nhèm sai đúng?
“Danh tiếng rất dễ trở thành tai tiếng khi có những sai phạm dù nhỏ xảy ra. Các sai phạm của các nhà quản lý mới đây là bài học cảnh tỉnh cho những người giỏi nhưng sa ngã tham phú quý, tiền tài. Đấu thầu là một môi trường hấp dẫn, dễ kiếm chác, dễ làm ăn, dễ vận dụng được danh tiếng để bỏ túi riêng của mình.
Hiện nay, với cơ chế mở, chúng ta tạo điều kiện liên kết, liên doanh bên ngoài, tự chủ giáo dục, tự chủ bệnh viện… nên càng có nhiều nguồn thu trở thành ‘miếng bánh’ dễ nếm như đấu thầu. Bản chất là đơn vị sự nghiệp được làm kinh tế nên càng dễ sai phạm.
Hai lĩnh vực là giáo dục và y tế thường là hai môi trường mà người dân không mặc cả, không trả giá. Hay chăng họ dựa vào đó để thời gian gần đây tồn tại những sai phạm nghiêm trọng”, ông Lê Văn Cuông bày tỏ.
Tại sao người giỏi chuyên môn lại không nên làm quản lý?
Theo ông Lê Văn Cuông: “Người giỏi chuyên môn đều có thể làm quản lý và hoàn toàn có thể trở thành người làm quản lý giỏi nếu được đào tạo, bồi dưỡng và có đủ điều kiện”.
Nhìn vào thực tế những người giỏi chuyên môn làm quản lý thì họ hầu hết đã không dành nhiều thời gian trực tiếp làm chuyên môn nữa. Ví dụ như Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hầu hết họ không cầm phấn giảng dạy nữa, Giám đốc Bệnh viện cũng rất ít khi điều trị cho các bệnh nhân trừ những trường hợp đặc biệt. Họ được trao quyền quản lý bởi họ chứng minh được trong quy trình bổ nhiệm họ có thể đảm nhận được. Nếu không đảm nhận được, không có trình độ về quản lý thì không nhận nhiệm vụ ngay từ đầu”.
Ở đây, ông Lê Văn Cuông nhắc lại vấn đề về công tác cán bộ. Chúng ta có những quy trình, có những cơ chế để bổ nhiệm và giám sát sau khi bổ nhiệm đối với các cán bộ. Vậy nếu cán bộ không đủ năng lực tại sao lại bổ nhiệm và cho đảm đương các công việc mang tính quan trọng. Đây là vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại.
Trong quy trình thì luôn đúng, luôn đủ, giao nhiệm vụ đúng người, đúng năng lực. Thế nên khi sai phạm xảy phải cần xem lại, là bổ nhiệm cán bộ thiếu quy trình hay đúng quy trình nhưng cán bộ tha hóa, biến chất.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Phải xem xét lại lúc bổ nhiệm, những người đủ giỏi chuyên môn nhưng đã có đủ điều kiện làm công tác quản lý lĩnh vực đang làm hay chưa? Nếu đã có, đã đủ và đúng quy trình thì theo luật pháp để tiến hành xử lý khi sai phạm xảy ra.
Trong luật chúng ta đã có quy định về thuê chuyên gia tư vấn hoặc thuê người phụ trách quản lý tài chính nếu cần thiết, nếu trình độ quản lý của người giỏi chuyên môn chưa sẵn sàng, vậy tại sao lại không thuê? Là do thiếu hiểu biết hay cố tình không làm vì động cơ không trong sáng?
Là một cán bộ, dù ở cấp bậc nào thì tâm sáng, đạo đức tốt cùng với tài năng thì mới cống hiến được cho nhân dân, đất nước. Nếu chuyên môn của cán bộ rất giỏi nhưng tâm không sáng thì cái tài đó trở thành công cụ, là cái cớ, là vỏ bọc để tha hóa, tham nhũng và sai phạm.
Điều này cũng cho thấy, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh giám sát, thẩm định chứ không thể buông lỏng. Nếu cơ quan giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc mới có thể ngăn chặn được những sai phạm đáng tiếc như trên xảy ra. Có sai phạm, chúng ta không chỉ mất tiền của, niềm tin ở nhân dân mà còn mất không ít nhân tài”.