Không có lý do gì để chậm trễ
Tại sao các cơ sở kinh doanh xăng dầu lại chậm trễ trong việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) bán lẻ? Câu hỏi được dư luận đặt ra khi hạn định Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành là trước 1-1-2024.
Phải nói ngay rằng, trước tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước, một trong những giải pháp ngành thuế đã triển khai là phối hợp với các ngành chức năng dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ tổng trên các cột xăng, dầu. Sau thời gian triển khai, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu bước đầu cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, đây chưa là giải pháp hoàn hảo cho sự minh bạch.
Vì vậy, ngành thuế đã nghiên cứu và thí điểm áp dụng HĐĐT vào mua bán xăng dầu trước khi bắt buộc áp dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế. Do đã từng có kiến nghị mặt hàng xăng dầu có tính chất đặc thù nên xin có thêm thời gian gia hạn để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể hoàn tất các khâu như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Đến nay, cơ quan chức năng mới thúc việc áp dụng HĐĐT cho các cơ sở mua bán, kinh doanh xăng dầu là đã có sự “cảm thông” đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đặc thù này. Nhưng “cảm thông” không có nghĩa là kéo dài, sẽ tạo một tiền lệ xấu trong thực thi chính sách pháp luật. Hiện nay, việc xuất HĐĐT không quá phức tạp vì mỗi cây xăng đều có các máy đo đếm, tính tiền từ số lượng xăng bán ra và cũng đã có thời gian khoảng 1 năm để chuẩn bị.
Tháng 11-2023, Thủ tướng đã có công điện số 1123/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Cùng với đó, cơ quan thuế đã chỉ đích danh các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải triển khai HĐĐT, buộc các doanh nghiệp này phải áp dụng, không thể chậm trễ.
Nên ở đây, các lý do mà doanh nghiệp đưa ra đều không thỏa đáng. Đã là quy định chung, tất cả các hoạt động kinh doanh, buôn bán trong nền kinh tế đều đã áp dụng HĐĐT. Đây cũng là yếu tố đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong kinh doanh.
Thị trường xăng dầu trong nước hiện nay vẫn còn những khúc mắc chưa được giải quyết triệt để, mà quan trọng nhất đó là Nhà nước vẫn coi mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược mà Nhà nước phải quản lý. Do đó, việc quản lý phải rất cụ thể, tỉ mỉ giúp thị trường trở nên công khai, minh bạch.
Để làm được điều này thì càng cần thiết phải áp dụng được HĐĐT và kết nối với cơ quan thuế. Chỉ khi đó, lượng nhập vào, bán ra, hay dấu hiệu gian lận khi kinh doanh xăng dầu ra sao cũng như tính công khai minh bạch, cạnh tranh công bằng, chống hàng giả, hàng nhái cũng sẽ rõ ràng.
Với quy định, chế tài đã có, khi các cơ sở kinh doanh, mua bán xăng dầu không chịu áp dụng HĐĐT thì cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở để xử lý. Đó là có thể xử phạt về hành vi trốn thuế khi không lập HĐĐT theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 17, Nghị định 125. Hoặc xử phạt về vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định tại khoản 2, điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP khi các cơ sở kinh doanh, buôn bán xăng dầu truyền dữ liệu HĐĐT chậm, không chính xác.
Cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ công cụ và chế tài để thực thi chính sách, vấn đề là đã thực sự quyết tâm thực hiện hay chưa.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-co-ly-do-gi-de-cham-tre-post721040.html