Không có người, không có tiền, giáo dục không làm được nhiệm vụ chuyên môn

Qua kiểm tra đầu năm học, ngành giáo dục các địa phương đều gặp khó khăn về việc thiếu giáo viên, chưa có đủ cơ sở vật chất để triển khai Chương trình GDPT 2018.

Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 tại các tỉnh thành trên cả nước. Tại Hà Tĩnh, đoàn đã kiểm tra thực tế tại một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT giáo dục thưởng xuyên trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, làm việc với các Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 668 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 28 trường ngoài công lập. So với năm học trước, hệ thống mạng lưới trường học ổn định.

Tổng số học sinh các cấp học là 348.885 em. Trong đó, mầm non có 2952 nhóm, lớp với 71.182 trẻ, giáo dục tiểu học 4156 lớp với 135.275 học sinh, THCS 2485 lớp với 88.255 học sinh, THPT 1214 lớp với 45.477 học sinh, giáo dục thường xuyên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT 266 lớp với 10.958 học viên. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Hà Tĩnh là 25.284 người.

Một số khó khăn đầu năm học của tỉnh Hà Tĩnh là việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình GDPT 2018 chưa được thực hiện kịp thời; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi xuống cấp, thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng; còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ theo bộ môn; chưa có đủ giáo viên được đào tạo để dạy môn tích hợp cấp THCS; phải điều động giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS lên dạy THPT; phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn do vướng mắc về luật đấu thầu…

Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT làm việc với Phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: BộGD&ĐT).

Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT làm việc với Phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: BộGD&ĐT).

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị và triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 của tỉnh Hà Tĩnh,

Một điểm nhấn trong công tác chuẩn bị đầu năm học của tỉnh Hà Tĩnh được Thứ trưởng đặc biệt ghi nhận, đó là việc quyết liệt tham mưu, có cách làm riêng và dám chấp nhận cái khó để làm trong công tác chuẩn bị đội ngũ, cụ thể là việc điều chuyển, biệt phái giáo viên.

"Đây là giải pháp tình thế nhưng cần trong thời điểm hiện tại để đảm bảo đủ định mức giáo viên. Then chốt của giáo dục là đội ngũ, là giáo viên, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã nhận ra điều này để quyết liệt tham mưu, đã chấp nhận cái khó để làm", Thứ trướng nói.

Chia sẻ "ngành giáo dục làm nhiệm vụ chuyên môn, nếu không có người, không có tiền không thể làm được", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị và mong muốn, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đảm bảo chi ngân sách 20% cho giáo dục và đảm bảo điều tiết phân phối ngay từ đầu năm học để các nhà trường chủ động.

Thứ trưởng cũng đề nghị ngành giáo dục và ngành Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh có sự rà soát, tính toán để thống nhất về số lượng giáo viên, tránh thiệt thòi cho ngành; đồng thời tránh cứng nhắc trong giảm biên chế 10% đối với ngành giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Tp.HCM (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Tp.HCM (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Tại Tp.HCM, đoàn công tác đã làm việc tại Phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức và Phòng GD&ĐT Quận 5.

Qua kiểm tra, các thành viên trong đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 của các đơn vị. Cụ thể các văn bản đã được Tp.HCM triển khai rất sớm và mang tính chất bao quát. Chẳng hạn với việc thiếu thừa trường lớp, Tp.HCM đã xác định 147 xã, phường thiếu trường công lập, các em học trường ngoài công lập được xác định mức bù học phí cho học sinh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những kết quả đạt được của TPHCM, thể hiện đầu tiên qua hệ thống văn bản đầy đủ, kịp thời vào khoảng thời gian đầu năm học.

"Địa phương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định mang tính tiên phong, có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của Sở GD&ĐT Tp.HCM, đồng thời chủ động làm công tác truyền thông thể hiện tính nhân văn, kịp thời. Đặc biệt, địa phương đã chủ động, sáng tạo, đi đầu, năng động trong nhiều hoạt động như dạy học ngoại ngữ, xây dựng thành phố học tập với nhiều mô hình, cách làm hay có thể nhân rộng toàn quốc", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-co-nguoi-khong-co-tien-giao-duc-khong-lam-duoc-nhiem-vu-chuyen-mon-204241012093409511.htm