'Không có nước đừng mơ lấy vợ' - trai Ấn Độ lẻ bóng vì hạn hán
Ram Hetu chắc mẩm rằng lần cầu hôn thứ 16 anh sẽ lấy được vợ. Nhưng rồi anh lại thất vọng khi quê nhà khô hạn đến nỗi không nhà nào gả con gái để 'suốt ngày đi gánh nước'.
Các giếng ở vùng Bundelkhand, nơi Hetu sinh sống ở miền Trung Ấn Độ, đều đang cạn khô. Lượng mưa giảm buộc dân làng phải đi bộ nhiều cây số gánh nước về. Nhiều người phải bỏ quê lên thành phố tìm việc làm.
Nhưng cơn khát nước này còn khiến nhiều đàn ông mãi không kiếm được vợ. Ở khắp vùng Bundelkhand có 20 triệu dân nhưng sinh sống rải rác, cha mẹ các cô gái trẻ lo sợ việc gả con cho các chú rể sống ở những nơi không có nước sẽ khiến cuộc đời con mình khổ sở.
Sợ con gái cả đời phải đi lấy nước
“Cha mẹ các cô thường nói với tôi ‘không có nước, không gả con gái’”, Hetu nói với Reuters. Năm nay 42 tuổi, anh làm công cho các nông trại, kiếm được 58 USD một tháng.
“Hồi tháng 1, một ông bố nói ‘có thể’, làm tôi mơ mộng ngay về một đám cưới”. Nhưng nhiều lần sau đó, anh gọi lại, “bố vợ tương lai” không trả lời.
“Các phụ huynh sợ con gái họ dành cả đời đi lấy nước”, Hetu nói, ở ngôi làng Baragaon trồng lúa mì, lúa mạch và đậu gà.
Tình cảnh của anh lặp đi lặp lại trong câu chuyện của nhiều đàn ông khác trong vùng Bundelkhand. Họ nói với Reuters rằng nhiều năm hạn hán đã phá hoại mùa màng và khiến họ “mắc kẹt” mãi trong cảnh độc thân.
Đó là một hậu quả xã hội nữa liên quan tới biến đổi khí hậu ở Ấn Độ, đất nước đông dân thứ hai thế giới ngày càng chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng cực đoan, nước biển dâng, lũ thường xuyên và bão lớn.
“Hậu quả của biến đổi khí hậu rất nguy hiểm”, Sanjay Singh, thư ký của tổ chức Parmarth Samaj Sevi Sansthan, nhóm hoạt động hỗ trợ các vùng nông thôn, nói với Reuters.
“Nếu không thực sự nỗ lực khi chúng ta còn thời gian, thì các vấn đề hiện tại như thất nghiệp, đói kém và suy dinh dưỡng sẽ chỉ tệ đi”, ông nói.
Các vùng phía bắc Ấn Độ chịu mưa lớn và bão lũ gây chết người trong những tuần vừa qua, nhưng một số vùng khác lại chịu hạn hán, bao gồm thành phố Chennai, nơi bốn hồ chứa nước chính bị khô hạn vào tháng 6.
Bình thường, Bundelkhand, nơi đã chịu 13 đợt hạn hán trong hai thập kỷ vừa qua, có 52 ngày mưa mỗi năm. Nhưng số ngày mưa đã giảm hơn một nửa kể từ 2014, theo cơ quan dự báo thời tiết tư nhân Skymet Weather.
“Nước là tất cả. Nước là tiền. Có nước, bạn có tất cả, vợ cũng sẽ lấy được. Nếu không, bạn chẳng có gì”, Dhaniram Aherwal, hội trưởng “hội nước” tại làng Bangaon, nói với Reuters.
Khô hạn, không vợ, buộc phải lên thành phố
Các cánh đồng lúa mì và kê quy mô nhỏ là trụ cột nền kinh tế Bundelkhand. Mưa giảm đi dẫn tới mất mùa, thu nhập bấp bênh, kéo theo đó là khả năng cưới vợ trở nên bất trắc, dẫn đến làn sóng di cư về thành phố.
2/5 người ở nông thôn Bundelkhand phải di cư lên thành phố trong thập kỷ vừa qua, theo Keshav Singh, nhà môi trường học ở một cổng thông tin về nước ở Ấn Độ.
Ông Singh đổ lỗi cho chính sách quản lý nước kém hiệu quả. “Nếu tình hình tiếp diễn như vậy, Bundelkhand sẽ trở thành vùng đất của những người độc thân”, ông nói.
Những căn nhà bỏ không, khóa trái cửa, là cảnh tượng thường gặp. Tính trong năm nay, ở Baragaon, ngôi làng của Hetu với dân số 8.000, đã có ít nhất 100 người bỏ lên thành phố, theo Ramadhar Nishad, một quan chức trong làng.
“Ít nhất hai năm nay ở đây không có đám cưới”, Nishad nói, đứng bên ngoài nơi từng là hội trường đám cưới nhưng giờ chỉ thấy tồi tàn, vương vãi những bãi phân bò.
Buôn người hoành hành vì khô hạn
Không phải ai rời đi cũng lên thành phố. Những vụ tự sát thương tâm do mất mùa và nợ nần chồng chất để lại đằng sau những “trẻ mồ côi hạn hán” và góa phụ. Họ thường bị kẻ buôn người lừa vào động mại dâm, ông Singh nói.
Với số lượng đàn ông tìm vợ quá nhiều, những kẻ buôn người kiếm lời từ việc lừa các cô dâu từ các bang khác đến đây lấy chồng, Nishad và các nhà hoạt động nói với Reuters.
Ở quận khô hạn Chhatarpur, hàng chục đàn ông đã cưới phụ nữ từ bang Odisha gần đó.
Ba phụ nữ nói với Reuters rằng “cò” tiếp cận họ và hứa hẹn một người đàn ông hoàn hảo - có đất, nhà gạch, và tất nhiên, có nguồn nước ổn định.
“Nhưng không phải vậy. Ở nhà tôi có nước máy, còn ở đây đều phải bơm tay. Xe nước không đến... không ai nói với tôi rằng cuộc sống sẽ tệ thế này”, Rina Pal, 30 tuổi, người chuyển đến làng Chaukheda 12 năm trước, nói với Reuters.
Tảo hôn cũng là một vấn nạn, theo người dân địa phương. Nhiều em gái không bao giờ được đi học vì tiền học đắt đỏ, mà phải đi gánh nước. Bị coi là gánh nặng cho gia đình, các em bị gả đi khi chỉ mới 12 tuổi.
Seema Aherwal, đi làm dâu năm 18 tuổi, nói những người đàn ông không hiểu những ngôi làng ở Bundelkhand chán đến mức nào. “Không thể đổ lỗi cho các cô gái được. Sống ở đây tệ lắm. Lúc nào cũng chỉ lo về nước: ăn, ngủ, tắm rửa - mọi thứ”, Aherwal nói.
“Lúc nào cũng lo lắng không tìm được vợ"
Có người đổ lỗi cho địa hình toàn sỏi đá, có người đổ lỗi cho con người đã gây ra tình trạng hạn hán thương tâm nói trên.
Saurav Kumar Suman, Trưởng quận Tikamgarh, nói với Reuters rằng địa hình toàn đá ở Bundelkhand khiến nước mưa không thấm xuống để có thể “nạp đầy” các mạch nước ngầm.
Các tổ chức xã hội dân sự và cơ quan chính phủ đang cố gắng khôi phục nguồn nước, xử lý bùn ở các ao, và xây đập để giữ lại nước mưa, phục vụ tưới tiêu. Mục tiêu cuối cùng là khôi phục lòng tin của người dân đối với quê hương mình.
“Người dân địa phương nói một số nam giới đã rời bỏ quê hương đang bắt đầu trở về vì có nước”, Farrukh Rahman Khan từ tổ chức WaterAid India nói.
Đối với Rajendra Litoria, 48 tuổi, chưa bao giờ anh có lựa chọn chuyển đi, vì có cha mẹ già.
Thay vào đó, anh bỏ ra hàng trăm USD tiền phí để người môi giới tìm vợ cho anh. “Ai sẽ chăm cho tôi khi tôi già? Tôi sẽ để lại đất cho ai đây? Ai sẽ làm lễ an táng cho tôi?”, anh day dứt.
“Lúc nào tôi cũng lo lắng, nhưng tôi chưa hết hy vọng. Tôi vẫn tin rằng tôi sẽ cưới được vợ”.