Không có sự gián đoạn các chính sách về lao động, thương binh và xã hội
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực mà Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hỗ trợ người nghèo thì hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của các đối tượng này.
Sáng 27/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã dự Hội nghị.
Thị trường lao động năm 2024 đã dần trở lại trạng thái bình thường như trước dịch COVID-19
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, một trong những thành tựu nổi bật năm qua là việc tham mưu xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tỉ lệ thông qua đạt 93,42%, bao gồm 14 nội dung lớn mang tính cải cách.
Đặc biệt, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc, giúp tăng cường sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với hơn 150.000 người.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường lao động năm 2024 đã dần trở lại trạng thái bình thường như thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, duy trì ở mức cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm ấn tượng, chỉ còn 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay.
Giai đoạn 2021-2024, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỉ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm. Bên cạnh đó, Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng.
Không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhất trí những việc ngành LĐ-TB&XH đã làm, đánh giá cao các kết quả, thành tích ngành đã làm trong thời gian dài, đặc biệt trong năm 2024.
Phó Thủ tướng cho biết, khi ông đi tiếp xúc cử tri, đi đến cơ sở, gặp gỡ người dân, mọi người đều quan tâm đến mức độ thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công là bao nhiêu, "liệu có thêm tiền hay không".
"Tôi có trả lời là sẽ trao đổi với Bộ trưởng, với ngành LĐ-TB&XH, đồng bào cứ yên tâm rằng đất nước chúng ta có điều kiện hơn thì các anh, các chị ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu để chúng ta có được phần nhiều hơn", Phó Thủ tướng chia sẻ. Những chính sách trong ngành phụ thuộc nhiều vào thu nhập, điều kiện phát triển của đất nước, nên "ở mặt này hay mặt khác thì chưa đáp ứng được hết mong muốn của chúng ta".
Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2025, chúng ta có 3 việc phải tiến hành đồng thời: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, tạo đà cho những năm sau.
Trong đó, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực mà Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hỗ trợ người nghèo thì hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của các đối tượng này.
Với tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt là thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. "Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại đầy đủ để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.