Không có thẻ thường trú, Filip Nguyễn khó được nhập tịch Việt Nam
Không có thẻ thường trú tại Việt Nam, cầu thủ Filip Nguyễn rất khó được nhập tịch Việt Nam và nếu như vậy tuyển Việt Nam sẽ không thể có sự cống hiến của thủ môn xuất sắc này.
Ngày 16.2, trao đổi với Báo Thanh Niên, đại diện Cục Hộ tịch Bộ Tư pháp cho biết việc nhập tịch Việt Nam cho bất kỳ cá nhân nào ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có bóng đá, cũng cần phải thực hiện đúng quy trình và quy định của các bộ luật có liên quan. Việc xem xét nhập tịch cho cầu thủ đang thi đấu tại CH Czech là Filip Nguyễn khá phức tạp vì hiện tại Filip Nguyễn đang không thường trú tại Việt Nam.
Theo luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014, điều kiện để xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam và có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. Nhưng vì Filip Nguyễn có bố là người Việt Nam nên được miễn một số tiêu chí, trong đó miễn tiêu chí phải thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên.
Tuy nhiên, trên thực tế Filip Nguyễn chưa từng về Việt Nam để cư trú tại địa phương nào đó, mà cũng theo luật Quốc tịch 2014, người xin nhập tịch phải nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú để xem xét bước 1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xác minh. Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ và chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện thì báo cáo Thủ tướng trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Với những cầu thủ đã được nhập tịch Việt Nam trong thời gian qua, tất cả cầu thủ này đều có thời gian cư trú tại Việt Nam ở một địa phương nào đó nên Sở Tư pháp cấp tỉnh có cơ sở để xem xét, phê duyệt hồ sơ (bước 1). Các cầu thủ này trước khi được nhập tịch cũng đã thi đấu cho một CLB nào đó tại Việt Nam. Nghĩa là họ đã có thời gian cư trú ở Việt Nam. Bố của Filip Nguyễn có nhà của ông bà để lại ở Hải Phòng nhưng bản thân anh chưa cư trú tại ngôi nhà này mà chỉ sinh sống tại nước ngoài. Theo luật Cư trú Việt Nam, người xin nhập tịch còn phải được cơ quan công an cấp thẻ thường trú.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: “Việt Nam có nên xem xét những trường hợp đặc biệt, có tài năng xuất sắc, có thể cống hiến nhiều cho đất nước mà cụ thể ở đây là cho bóng đá Việt Nam, như trường hợp cầu thủ Filip Nguyễn được hay không?”, đại diện Cục Hộ tịch Bộ Tư pháp cho biết có thể miễn một số thủ tục nhưng không thể miễn điều kiện phải có thẻ thường trú vì luật quy định bắt buộc phải như vậy. Đến thời điểm này, Bộ Tư pháp không nhận được hồ sơ từ gia đình của Filip Nguyễn. Bố anh cũng từng đến Lãnh sự quán Việt Nam tại CH Czech nhưng theo luật Quốc tịch Việt Nam, đại sứ quán hay lãnh sự quán của Việt Nam tại nước ngoài không có quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin nhập tịch.
Cũng trong ngày 16.2, bố của Filip Nguyễn là ông Nguyễn Minh (đang ở Hải Phòng thăm họ hàng) cho hay Filip Nguyễn chưa có thẻ thường trú tại Việt Nam và gia đình cũng đang khá bối rối chưa biết cần phải đi những bước tiếp theo như thế nào. Theo ông Minh, vì mới đây CH Czech đồng ý cho công dân được sở hữu cùng lúc hai quốc tịch nên ông đã quyết định xin nhập tịch Việt Nam cho con trai mình (gia đình ông xin thôi quốc tịch Việt Nam khi Filip Nguyễn ra đời tại CH Czech năm 1992). Filip Nguyễn rất mong muốn được thi đấu cho tuyển Việt Nam, nhưng nếu anh về Việt Nam một thời gian để lấy thẻ cư trú thì sẽ mất chỗ ở CLB Liberec Slovan.