Không có thu phí tự động sẽ bị dừng thu phí
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã cho biết như vậy tại Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.
Trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT
Về tiến độ triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 thì đến 31/12/2019 toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động, không dừng. Cách đây khoảng 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục có Nghị định trên phạm vi toàn quốc chỉ đạo Bộ GTVT và các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện công tác này.
Theo Bộ trưởng, chúng ta có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ không dừng, do đó các nhà đầu tư có thể lựa chọn, hàng tháng Bộ đều họp giao ban và có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT, tư vấn đã có sẵn, sự sẵn sàng các nhà đầu tư trong điều kiện hợp đồng và sự phối hợp thực hiện, nếu nhà đầu tư phối hợp tốt thì chúng ta triển khai nhanh.
“Sau khi họp chỉ có một đơn vị quan ngại nhất, đó là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam - đây là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng, nhưng đến thời điểm này triển khai chậm”, ông Thể nói và cho biết, Bộ đã sử dụng giải pháp là có văn bản đến Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để báo cáo tình hình, nếu tình hình không cải thiện và chậm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc nhà đầu tư. Và đến 31/12/2019 không hoàn thành thì Bộ sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng.
“Hiện nay chúng tôi thực hiện kiểm tra tiến độ hàng tháng, có giải pháp để nhà các đầu tư không bất ngờ, nếu cứ chây ì thì phải chấp nhận hậu quả kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ trưởng nói.
Thông tin tiêu cực trên mạng còn dưới 10%
Trước một số câu hỏi về quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ TT&TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.
“Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”, Bộ trưởng Hùng nói.
Câu chuyện nan giải thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ đã rất tích cực, cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…
Về vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả những gì chúng ta đọc, mua, bán đều lưu trữ ở nước ngoài. “Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng ví von.
Do đó, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng kỳ vọng, “trong khoảng năm 2020 - 2021 chúng ta sẽ đạt câu chuyện 50 - 50”.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khong-co-thu-phi-tu-dong-se-bi-dung-thu-phi-91100.html