'Không có tiền' đo mốc chỉ giới khiến cả trăm biệt thự, công trình băm nát hồ Đồng Đò?
Hồ Đồng Đò (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) rộng hơn 50 ha nhưng hiện chưa có mốc chỉ giới, hàng trăm biệt thự, công trình xây dựng mọc lên đã khiến 2 bên hồ bị băm nát
Liên quan đến việc nhiều diện tích hồ ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) bị "xẻ thịt", bị xâm hại nghiêm trọng, ông Lưu Thành Quang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội (Công ty Thủy lợi Hà Nội), vừa cho biết một số thông tin.
Theo ông Quang, năm 2001, UBND TP Hà Nội tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thi công dự án xây dựng công trình hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Khi dự án hoàn thành, hồ Đồng Đò được bàn giao cho Công ty khai thác công trình thủy lợi Sóc Sơn quản lý từ tháng 7-2007 với mục đích hồ chứa nước thủy lợi. Đến năm 2008, Công ty khai thác công trình thủy lợi Sóc Sơn sáp nhập vào Công ty Thủy lợi Hà Nội.
Theo thông số kỹ thuật, hồ Đồng Đò có diện tích mặt hồ gần 50,7 ha. Cao trình đỉnh đập là 41,47 m; cao trình đáy cống lấy nước là 30,7 m.
Ông Quang cho hay do hồ Đồng Đò chưa được cắm mốc chỉ giới nên công tác quản lý rất vất vả. Để xử lý các công trình xâm lấn lòng hồ, Công ty Thủy lợi Hà Nội đang dựa vào cao trình đỉnh đập nằm trong phạm vi lòng hồ và phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Năm 2022, công ty đã có 3 lần ra quân cưỡng chế, giải tỏa 26 trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty tiếp tục xử lý 5 trường hợp vi phạm.
Hiện công ty này đang tiến hành đo mặt nước để cắm mốc tạm thời. Riêng việc cắm mốc giới ngoài thực địa thì chưa thể thực hiện được. Ông Quang cho biết công ty rất muốn tiến hành cắm mốc ngoài thực địa để công tác quản lý đỡ vất vả. Tuy nhiên, công ty không có tiền thuê đơn vị khác tiến hành đo đạc, cắm mốc. Còn tự cắm cũng cần đến kinh phí đo vẽ, nhân công, lên bình đồ, kinh phí mua cọc để cắm… "Muốn đo lắm nhưng không có tiền. Trong khi đó, kinh phí rất lớn, ước chừng khoảng hơn 1 tỉ đồng" - ông Quang nói.
UBND huyện Sóc Sơn cũng đã yêu cầu Công ty Thủy lợi Hà Nội khẩn trương tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa để phục vụ công tác quản lý. Về việc Công ty Thủy lợi Hà Nội "kêu" không có tiền thuê đơn vị đo đạc, cắm mốc giới, một lãnh đạo huyện Sóc Sơn đề nghị phía công ty hãy tự đi đo đạc, thực hiện công tác này.
Liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm phải lập hồ sơ xử lý, trong đó chủ yếu là ở 2 xã Minh Phú và Minh Trí. Ngoài ra, huyện đã xử lý 149 trường hợp vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước và vi phạm theo các quyết định, kết luận thanh tra.
Theo kết luận thanh tra ban hành năm 2019, có 76 trường hợp vi phạm đất rừng trong vùng hồ ở 2 xã Minh Phú, Minh Trí. Sau khi huyện Sóc Sơn xử lý được 40 trường hợp thì Thanh tra Chính phủ yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, tập trung vào điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, nên 36 trường hợp còn lại chưa xử lý.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn thừa nhận từ năm 2019 đến nay, ven hồ Đồng Đò có thêm nhiều công trình vi phạm. Riêng ở xã Minh Trí có gần 30 trường hợp, chưa tính hàng trăm ngôi lều nhỏ nằm trong rừng Sóc Sơn bị phá dỡ.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc hồ Đồng Đò và nhiều diện tích đất rừng ở Sóc Sơn bị băm nát nhiều năm qua còn do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và ý thức người dân. Việc đo đạc, cắm mốc chỉ giới hồ Đồng Đò là cần thiết để quản lý. Khi đo đạc, cắm mốc chỉ giới xong thì các biệt thự, công trình nằm trong chỉ giới hồ Đồng Đò cần phải được xử lý, cưỡng chế nghiêm.