Không có tiền thi hành án, buộc lao động công ích?

Đề xuất quy định chế độ lao động công ích đối với người phải thi hành án không có tài sản đang có những ý kiến trái chiều.

Có ý kiến đồng tình về đề xuất này, nhưng cũng có ý kiến lo ngại nếu áp dụng sẽ không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Tạo điều kiện cho người thi hành án có thu nhập

Đã 3 năm qua, dù tòa đã tuyên án, chị L.A (ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) chưa nhận được bồi thường sau vụ TNGT khiến chị bị thương tật. Bởi tài xế gây TNGT cho chị thì đang thụ án tù, tài xế không có tài sản riêng, bố mẹ già đã hết tuổi lao động.

Đề xuất bắt buộc người phải thi hành án lao động công ích để khấu trừ tiền thi hành án đang gây tranh cãi (Ảnh minh họa)

Báo cáo về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2020, thi hành án dân sự đạt 75,82% về việc và 31,21% về tiền.

Một chấp hành viên cấp tỉnh chia sẻ, có nhiều lý do khiến phần giá trị thi hành án gặp khó khăn. Trong đó, có lý do người phải thi hành án không có tài sản, không có thu nhập, hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu.

Người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng cũng không có tài sản hoặc có tài sản nhưng theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án...

Đây cũng chính là lý do để Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nêu ra khi đề xuất, kiến nghị nghiên cứu xây dựng quy định về chế độ lao động bắt buộc (lao động công ích) đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản (kể cả phạm nhân khi ra tù chưa có công ăn việc làm) để tạo điều kiện cho họ có thu nhập và có thể khấu trừ thi hành án.

Bởi theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, đa phần người đang thi hành hình phạt tù có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện thi hành án, không có nơi cư trú ổn định.

Các chấp hành viên cũng không thể vận động thân nhân của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nộp tiền, tài sản thay người phải thi hành án, vì họ cho rằng, người phải thi hành án đã có quyền công dân và tự chịu trách nhiệm về phần dân sự của mình.

Đột phá nhưng có khả thi?

Luận bàn về đề xuất này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, đây là đề xuất hay và cần phải được xem xét nghiên cứu. Hiện một số quốc gia đã áp dụng biện pháp này, chẳng hạn như tại Úc đã quy định những người phạm vào một số tội danh không có tài sản thi hành án thì phải đi lao động công ích.

“Đây là khoản nợ phải trả, khi mà không có tiền thì phải trả bằng công sức. Chúng ta phải có quy định cụ thể để ngăn chặn hiện tượng chây ì trong việc thực hiện thi hành án dân sự”, luật sư Hậu nêu quan điểm và cho rằng, quy định bắt buộc lao động công ích chỉ dành cho những người không có điều kiện về tài sản để thi hành án.

Tuy nhiên, luật sư Hậu nhấn mạnh, muốn thực hiện được đề xuất này thì phải sửa Luật Thi hành án, vì hiện luật chưa quy định nội dung này.

Đồng tình với đề xuất này, luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu xây dựng được một quy định như Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề xuất thì đây là một đột phá trong thi hành án dân sự. “Hiện nay việc thi hành án đối với những người không có tài sản là rất khó khăn. Thậm chí có tình trạng cố tình không thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Chính vì vậy quy định buộc lao động công ích sẽ tác động vào ý thức của người phải chấp hành bản án”, luật sư Lực nêu quan điểm.

Tuy nhiên, luật sư Lực cho rằng, chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ những giải pháp thực hiện trước khi ban hành quy định hay bổ sung vào Luật Thi hành án dân sự.

“Quy định phải đi vào thực tế, chứ không phải quy định cho có, mơ hồ. Có nghĩa là phải có những chế tài liên quan đủ mạnh để quy định đi vào thực tế. Ví dụ như chúng ta thành lập ra công ty “lao động công ích” do Nhà nước quản lý. Nếu người phải thi hành án cố tình không lao động thì có thể bị xử lý hình sự”, luật sư Lực nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cho rằng, đề xuất này chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và cũng rất khó thực hiện.

“Việc tổ chức cho những người phải thi hành án này lao động thế nào, lao động cho ai, đơn vị nào sẽ quản lý việc lao động công ích đó, cũng như tính toán để khấu trừ, để thi hành án… là không hề đơn giản”, đại biểu Hòa đặt vấn đề.

Theo ông Hòa, muốn nâng cao hiệu quả thi hành án chúng ta cần phải sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản, lao động việc làm.

Từ đó, cơ quan thi hành án có thể kết nối và biết được những người đang có nghĩa vụ thi hành án có những tài sản, thu nhập như thế nào. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản cũng giúp bị can, bị cáo khó tẩu tán tài sản, hỗ trợ cho việc truy thu, thu hồi tài sản vụ án.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khong-co-tien-thi-hanh-an-buoc-lao-dong-cong-ich-d531486.html