'Không có tư tưởng, tác phẩm chỉ là trò giải trí'

Nhà văn Thiên Sơn luôn đề cao tư tưởng trong sáng tạo văn chương. Tác phẩm mới của anh được đánh giá cao bởi chiều sâu tư tưởng.

Kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa được công bố hôm 11/11. Trong số các tác phẩm được trao giải, Gió bụi đầy trời của nhà văn Thiên Sơn được chú ý, bởi sự khác biệt.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: Thiên Sơn giống như hậu duệ của những Vỡ bờ, Sóng gầm còn sót lại. Xét về sự công phu trong việc tìm hiểu lịch sử, khả năng xây dựng theo chiều rộng thế giới nhân vật, Gió bụi đầy trời không hề thua kém Từ Dụ thái hậu.

"Gió bụi đầy trời một mình một lối. Nó có một thứ mà từ lâu khá hiếm trong văn chương Việt: Tầm vóc tư tưởng, chiều sâu của những suy nghĩ đa chiều về thực tại. Câu chuyện lịch sử trong Gió bụi đầy trời không hề rơi vào sơ lược theo kiểu ý thức hệ”, ông Thạch nói.

Bên cạnh Từ Dụ thái hậu có lẽ Gió bụi đầy trời là cuốn sách được chú ý nhiều nhất trong thời gian qua. Nhà văn Thiên Sơn chia sẻ về tác phẩm.

Điểm khởi đầu cho một thời đại

- Bảy năm trước, anh gây náo động văn đàn với “Đại gia” - bộ tiểu thuyết về những vấn đề nóng đương thời. Ở “Gió bụi đầy trời”, anh quay về với câu chuyện lịch sử cách nay 75 năm. Phải chăng những vấn đề đương thời không còn sức hấp dẫn với anh?

- Sau hai tập Đại gia đã xuất bản, tôi có thêm một tập nữa về hiện thực đương đại tái hiện một bức tranh xã hội rộng lớn, đầy đau đớn và phức tạp trong bước chuyển mình của dân tộc hiện nay.

Để viết 3 tập sách Đại gia tôi đã trải qua 10 năm vất vả. Không phải là phản ánh cái bề mặt của một hiện thực u ám, mà là phát hiện ra những mạch ngầm, cái hiện thực hiểm nghèo đang chi phối mọi chuyển động của đời sống đương đại.

Viết về hôm nay là quan trọng nhất, biết bao điều ngổn ngang, nhức buốt đang tác động đến số phận hàng triệu con người và cần sự mổ xẻ, phân tích, phản ánh trong những tác phẩm có tầm vóc. Và dù còn bao nhiêu day dứt nữa, tôi tạm thời để lại. Tập 3 cuốn sách chưa thể ra. Đã đến lúc tôi cần thay đổi đề tài và tôi nghĩ mình có thể sẽ trở lại trong một dịp khác.

- Điều gì khiến anh lựa chọn viết tiểu thuyết về giai đoạn lịch sử 1945-1946?

- Tôi muốn nhìn lại thời điểm khởi đầu của cuộc cách mạng mở ra một thời đại. Đó là giai đoạn khốc liệt nhất, phức tạp nhất với biết bao xu hướng chính trị và tư tưởng, biết bao lợi ích giằng xé nhau.

Lịch sử đã đi qua, chiến tranh loạn lạc, những định kiến chính trị của các lực lượng khác nhau đã phủ mờ tất cả. Viết về lịch sử là phục hồi lại ký ức lịch sử, làm sống lại những con người, những tư tưởng, và đặc biệt là khát vọng của cả một dân tộc. Viết về lịch sử thời kỳ này cũng là đối thoại, là soi chiếu với hiện tại.

Tôi nghĩ rằng bạn đọc đang khao khát tìm hiểu những sự thật lịch sử. Và những vấn đề lịch sử được đặt ra trong cuốn sách vẫn là những vấn đề quan trọng chi phối trực tiếp đến dân tộc Việt Nam hôm nay.

 Tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời. Ảnh: Y Nguyên.

Tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời. Ảnh: Y Nguyên.

- Đã có rất nhiều sách báo viết về sự kiện Cách mạng tháng Tám, vậy tác phẩm của anh có gì đặc biệt?

- Tôi chủ trương mở rộng không gian nghệ thuật và vượt qua ngưỡng giới hạn thông thường. Trước hết, tôi mở ra bức tranh toàn cảnh, không gian để những nhân vật tiêu biểu từ nhiều phía hoạt động, từ đó dựng lên bức tranh đa diện về một giai đoạn phức tạp, nguy nan nhất trong quá trình tranh đấu lập nên nước Việt Nam mới.

Tôi cũng chủ trương mở ra cái không gian của tâm tưởng nhân vật lịch sử. Đó là một thế giới hoàn toàn đóng kín trước các sử gia và chỉ có nhà tiểu thuyết mới có thể bước vào.

Chủ trương vượt ngưỡng giới hạn là yếu tố then chốt tạo nên sự riêng biệt của cuốn sách. Ở đây, tác giả đã cố gắng vượt qua định kiến để miêu tả về tất cả nhân vật quan trọng từ nhiều phía, nhằm mang lại một bức tranh lịch sử rộng lớn và chân thực hơn, khách quan hơn, khơi gợi những điều chưa từng được nói đến…

- Trong “Gió bụi đầy trời”, có thể thấy sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật lịch sử. Anh đã chuẩn bị tư liệu như thế nào để viết cuốn sách này?

- Tôi đã chuẩn bị cho công việc này từ nhiều năm. Từ khi mới tốt nghiệp đại học khoảng hơn 20 năm trước và tập trung nhất vào khoảng 5 năm gần đây.

Đó là một công việc kỹ càng, tỉ mỉ để dò ra từng chút, từng chút mối quan hệ giữa các nhân vật, để kết nối các mạch ngầm bị đứt đoạn, hình dung dần về bức tranh lịch sử và sự chuyển động phức tạp của nó.

Đồng thời phải phân tích lịch sử ở những chuyển động rộng lớn hơn khi các sự kiện quốc tế chi phối các quyết định lịch sử ở Việt Nam. Nhưng chuẩn bị tư liệu chỉ là một việc, điều quan trọng là phải phân tích được tư liệu và nhào nặn nó, biến nó thành chất liệu nghệ thuật để xây dựng tác phẩm.

 Nhà văn Thiên Sơn. Ảnh: Y Nguyên.

Nhà văn Thiên Sơn. Ảnh: Y Nguyên.

"Ngày nay, văn học thấp xuống thành trò giải trí"

- Đúng thế, nếu chỉ dựa vào những tư liệu lịch sử, cuốn sách có thể sẽ là một tư liệu. Để trở thành tiểu thuyết, anh đã sử dụng chất liệu lịch sử ra sao, dụng công nghệ thuật như thế nào?

- Chất liệu lịch sử sẽ làm nền cho câu chuyện, một phần xương cốt của câu chuyện. Những gì mà các sử gia ghi lại chỉ là một sơ đồ của những chuyển động lịch sử.

Nhà tiểu thuyết phải làm cho lịch sử hiện lên sống động với tất cả biểu hiện tinh vi, phức tạp của nó; đặc biệt phải làm sống dậy các nhân vật lịch sử, mở ra cánh cửa để nhìn vào bên trong tâm tưởng của họ, biến các nhân vật lịch sử thành nhân vật văn học với cá tính sống động, hấp dẫn.

Tất cả chất liệu lịch sử ấy phải nhào nặn lại, cấu trúc lại trong một hệ thống cốt truyện với tất cả quan hệ chuyển hóa nhau có tính thu hút độc giả. Và điều quan trọng là các chất liệu được tập hợp lại dưới sự soi sáng của tư tưởng tác phẩm.

Không có tư tưởng, tác phẩm sẽ không có giá trị. Bạn biết đấy, ngày nay, văn học thấp xuống thành một trò giải trí bởi tính tư tưởng của các tác phẩm ấy nghèo nàn.

Tất cả việc đó thực không dễ dàng, nhất là khi viết về lịch sử hiện đại và nhà văn phải đối mặt với những định kiến lịch sử như những tường thành kiên cố.

- Một tiểu thuyết lịch sử, ngoài giá trị văn chương, còn mang lại cho người đọc hôm nay bài học gì?

- Nhà văn không nên và không cần đặt thẳng vấn đề bài học gì có thể rút ra từ lịch sử. Nhà văn chỉ phản ánh lịch sử theo cảm quan của mình.

Tôi sinh ra và lớn lên trong thời đại chủ nghĩa anh hùng thắng thế. Nhưng rồi sau đó, sự đói nghèo, lạc hậu, sự bảo thủ và thói thực dụng đã giết chết niềm tự hào của mấy chục năm trước.

Chúng ta lại trở về nguyên vẹn với đời thường trần trụi, với những định kiến lịch sử, với những nhận định về quá khứ đầy hằn học, trong khi chúng ta chưa có điều kiện tìm hiểu đầy đủ và khách quan về những vấn đề lịch sử phức tạp trong quá khứ.

Cuốn sách này góp một phần nhỏ phục hồi lại những ký ức lịch sử về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử hiện đại.

Nhà văn Thiên Sơn

Cuốn sách này góp một phần nhỏ phục hồi những ký ức lịch sử về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử hiện đại. Tôi đã cố gắng để khách quan nhất có thể, công bằng nhất có thể, và hy vọng với mỗi người đọc, trên cơ sở hiểu thấu cội nguồn của một giai đoạn lịch sử sẽ có cách suy nghĩ và hành xử hợp lý.

- Từ “Đại gia” tới “Gió bụi đầy trời”, anh không giới thiệu tác phẩm mới. Phải chăng toàn bộ trí lực 7 năm qua anh dành hết cho tác phẩm này? Cảm xúc của anh ra sao khi tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam?

- Trong 7 năm qua tôi có viết tiếp tập 3 Đại gia và một số truyện ngắn, nhưng có lẽ chị nói đúng, phần lớn thời gian tôi tập trung tìm hiểu tư liệu và viết Gió bụi đầy trời.

Cuốn sách của tôi là một công trình khá phức tạp. Tôi đã rất cố gắng. Sự cố gắng ấy có thể chưa đáp ứng được hoàn toàn những đòi hỏi khắt khe của bạn đọc; giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ là sự ghi nhận ban đầu.

Tôi nghĩ, cần phải có thời gian mới có thể đánh giá đầy đủ và khách quan hơn nữa về cuốn sách này. Sự ghi nhận này là một điều có ý nghĩa bởi những đồng nghiệp có trách nhiệm ở Hội Nhà văn, nhà xuất bản Hội Nhà văn đã nỗ lực đưa tác phẩm đến công chúng.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-co-tu-tuong-tac-pham-chi-la-tro-giai-tri-post1152353.html