Không có 'việc nhẹ lương cao'!
Không bao giờ có việc nhẹ lương cao, đây là thực tế. Khi người lao động được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn không có...
Vào dịp cuối năm, nhu cầu tìm việc làm thời vụ của người lao động (NLĐ) thường tăng cao so với các thời điểm khác trong năm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyển dụng với nhiều vị trí việc làm, mức lương hấp dẫn khiến thị trường lao động thời điểm này trở nên sôi động. Thế nhưng, các đối tượng lừa đảo cũng nhân cơ hội này để đăng tải các thông tin tuyển dụng lừa đảo lên mạng xã hội, do vậy NLĐ phải hết sức cẩn trọng.
Các chiêu trò lừa đảo phổ biến có thể kể tới như: Viết nội dung quảng cáo cho website, thời gian làm 2-3 tiếng/ngày, thu nhập 100.000-150.000 đồng/bài viết (tùy độ dài); tuyển nhân viên đánh giá sản phẩm, đăng bài theo các mẫu có sẵn, thu nhập cao, trả theo ngày; tuyển nhân viên đánh máy theo mẫu bài có sẵn, làm việc tại nhà, không giới hạn số lượng mỗi ngày, tiền công 50.000 đồng/bài; tuyển nhân viên xâu vòng, gia công tóc giả, mi giả...
Từ những nội dung quảng cáo này, chúng dẫn dắt nạn nhân truy cập vào các đường link độc hại để hack tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu đặt cọc tiền để giữ chỗ, sau đó chiếm đoạt tiền.
Là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo việc làm, Nguyễn Minh Nguyệt, sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết: “Cuối năm, lịch học không căng thẳng, tôi muốn tìm việc làm thời vụ để có thêm thu nhập tiêu Tết. Qua Facebook, tôi thấy có doanh nghiệp tuyển người làm thêm tại nhà với mức lương từ 6 đến 12 triệu đồng mỗi tháng. Đây là công việc đơn giản (gia công lông mi giả), nếu không muốn đến xưởng làm có thể đem hàng về nhà. Chỉ cần đặt cọc để ôm hàng là có thu nhập. Tôi đã chuyển khoản 500.000 đồng nhưng chờ mãi không thấy xưởng gửi hàng về để làm, sau đó, tôi mới biết là mình đã bị lừa”.
Minh Nguyệt chỉ là một trong nhiều trường hợp bị rơi vào bẫy lừa. Đáng nói, không chỉ NLĐ bị lừa mà các doanh nghiệp cũng “đau đầu” vì bị hiểu lầm, thương hiệu bị ảnh hưởng, phải liên tục đưa ra cảnh báo, khuyến cáo ứng viên nâng cao tinh thần cảnh giác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, tình trạng lừa đảo tuyển dụng lao động, nhất là vào dịp cuối năm không mới, tuy nhiên, hiện nay do mạng xã hội bùng nổ và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến cho vấn nạn này ngày càng trở nên phức tạp hơn. Từ kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ nhiều năm qua, ông Vũ Quang Thành lưu ý, để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Khi vào các website tìm việc làm, nên chú ý phần mô tả công việc bảo đảm được thể hiện rõ ràng, cụ thể về mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập...
Về mặt nội dung, khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên, nên xem yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, rồi tìm kiếm công ty đó trên nhiều trang thông tin khác. “Đặc biệt cần hết sức lưu ý là không bao giờ có việc nhẹ lương cao, đây là thực tế. Khi NLĐ được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn không có”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho rằng, không nên tìm việc làm trên mạng xã hội, vì các bài tuyển dụng lừa đảo thường không có thông tin rõ ràng về công việc mà chỉ có số điện thoại liên lạc hoặc nhắn tin liên hệ qua mạng xã hội. Đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thật thì thường không yêu cầu nộp phí khi ứng tuyển.
Khi muốn ứng tuyển, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp NLĐ nắm rõ thông tin mà còn tạo cơ hội phỏng vấn trực tiếp, tránh mất thời gian đi lại không cần thiết.
Hiện, trên thị trường có nhiều kênh tuyển dụng việc làm, song điều này cũng tiềm ẩn rủi ro bởi nhiều trường hợp không được kiểm chứng. Vì vậy, ông Vũ Quang Thành khuyến cáo NLĐ cần tìm đến các kênh tuyển dụng chính thức của doanh nghiệp hoặc hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở lao động-thương binh và xã hội các địa phương cũng như tham gia các phiên giao dịch việc làm do các sở lao động-thương binh và xã hội tổ chức.
“Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm hoặc đăng tuyển dụng thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm đã được sàng lọc, thẩm định nên bảo đảm về độ tin cậy. NLĐ khi tham gia các phiên giao dịch việc làm dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp và phỏng vấn trực tiếp, tránh mất công đi lại, bảo đảm an toàn”, ông Thành chia sẻ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-co-viec-nhe-luong-cao-810352