Không có 'việc nhẹ, lương cao' khi đi lao động ở nước ngoài

Trước thực trạng công dân Việt Nam, nhất là đối với thanh, thiếu niên bị lừa đi ra nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để thanh, thiếu niên hiểu rằng không có 'việc nhẹ, lương cao' khi đi lao động ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Tham gia chất vấn, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn tỉnh Hải Dương) nêu, hiện nay người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ, đi lao động ở nước ngoài nhưng bị làm việc trong các sòng bạc lừa đảo hoặc các cơ sở mại dâm. Xin hỏi, Bộ Ngoại giao có những giải pháp nào để phát hiện, hỗ trợ người dân rơi vào hoàn cảnh trên?

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đặt vấn đề, để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hạn chế thấp nhất tình trạng công dân Việt Nam, nhất là đối với thanh, thiếu niên ở các vùng sâu, vùng xa bị lừa đi ra nước ngoài làm việc cưỡng bức lao động. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết rõ nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tình trạng thanh, thiếu niên bị dụ dỗ, lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài và trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến diễn ra chủ yếu là từ năm 2020 đến nay. Nhiều trường hợp di cư hay đi ra nước ngoài làm việc theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau với khẩu hiệu là “việc nhẹ, lương cao”.

Đây là vấn đề hết sức phức tạp, thời gian qua, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan cũng đã tổ chức giải cứu, đưa nhiều người về nước an toàn.

Nói về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường việc tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ, cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật, chặt đứt đường dây không để việc này tiếp tục xảy ra. Tăng cường thông tin tuyên truyền để thanh, thiếu niên hiểu rằng không có “việc nhẹ, lương cao” khi đi lao động ở nước ngoài.

Chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại hình tội phạm này và thúc đẩy quá trình hợp tác lao động hay là di cư hợp pháp, có tổ chức và ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân đưa về nước và hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu hết những số công dân còn bị cưỡng bức lao động và nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Tham gia chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn thành phố Hà Nội) đặt câu hỏi, hiện nay, có khoảng 70.000 người Việt Nam đã và đang sinh sống lâu dài tại Campuchia, nhưng chưa được công nhận quyền công dân tại nước sở tại, sống ngoài vòng pháp luật, nhiều người sống khổ sở, vất vưởng tại khu ổ chuột của Campuchia.

Với trách nhiệm của mình, đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã có những động thái gì để thúc đẩy tiến trình giải quyết công nhận quyền công dân cho người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia để đảm bảo quyền con người cho họ.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn trên cả hai góc độ, một là địa vị pháp lý còn thấp, hai là đời sống, bởi vì chủ yếu sống trên biển hồ, trên các dòng sông để đánh cá, cho nên khi tái định cư rất khó khăn.

Vừa qua, các cấp có thẩm quyền đã ban hành và đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để tập trung hỗ trợ: Cấp Căn cước công dân của Campuchia cho công dân Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia; cho nhập quốc tịch Campuchia; phối hợp với Chính phủ Campuchia để hỗ trợ tái cơ cấu công việc của bà con ta.

“Trên tinh thần quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia, lãnh đạo cấp cao nước ta cũng rất quan tâm đến nội dung này trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Bộ Ngoại giao cũng có kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai công tác hỗ trợ, nâng cao địa vị pháp lý và đời sống của người Việt tại Campuchia”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-co-viec-nhe-luong-cao-khi-di-lao-dong-o-nuoc-ngoai-167776.html