Không có 'vùng cấm', 'ngoại lệ' trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bia rượu có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để kiềm chế tai nạn giao thông, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến giao thông trọng điểm, với phương châm không có 'vùng cấm', không có 'ngoại lệ'...

Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Nông Cống kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Vào hồi 22 giờ ngày 14-3-2023, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Công an huyện Mường Lát đã phát hiện công dân Thao Văn Chứ, sinh năm 1990, ở bản Chim, xã Nhi Sơn điều khiển phương tiện mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 2. Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm, phạt tiền 4,5 triệu đồng nộp kho bạc Nhà nước và tước bằng lái xe 17 tháng. Đối với vi phạm về nồng độ cồn, theo báo cáo của Công an huyện, từ đầu năm 2023 đến ngày 20-3, lực lượng chức năng Công an huyện đã phát hiện, xử lý lập biên bản 28 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt 125 triệu đồng.

Trước đó, ngày 1-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với lái xe Nguyễn Thanh Quân, sinh năm 1987, có địa chỉ tại xóm 7, xã Hợp Tiến (Triệu Sơn), vi phạm nồng độ khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Theo Quyết định số 660/QĐ-XPHC của UBND tỉnh, lái xe Nguyễn Thanh Quân đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính điều khiển xe ô tô BKS 36C-366.54 trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Quy định tại điểm a khoản 10 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt hành chính số tiền 35 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến hết ngày 15-1-2024.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh nhất thế giới. Thực tế, việc người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia đã trở thành nỗi ám ảnh cho toàn xã hội bởi sự gia tăng đáng báo động về số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn và các chất kích thích gây ra. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nước ta. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông bị cơ quan chức năng xử lý. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2022 lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 20.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, riêng vi phạm về nồng độ cồn đã kiểm tra, xử phạt 6.097 trường hợp, phạt hơn 23,5 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; các kế hoạch chuyên đề của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, nhất là thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông về kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phối hợp với tổ công tác số 2 của Cục Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tập trung xử lý nghiêm các lỗi vi phạm trong đó có lỗi vi phạm về nồng độ cồn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh đã ra quân tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn (có những tuyến, địa bàn lập chốt kiểm tra cả ngày và đêm) với phương châm xử lý không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, lực lượng cảnh sát giao thông cũng gửi thông báo vi phạm đến cơ quan, chi bộ đối với các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn để có biện pháp xử lý vi phạm... Theo đó, với những biện pháp xử lý mạnh, mức xử phạt vi phạm hành chính cao (mức phạt cao nhất khi vi phạm nồng độ cồn đối với xe máy là 8.000.000 đồng; đối với ô tô là 40.000.000 đồng; ngoài ra còn bị giữ xe 7 ngày và tước giấy phép lái xe tối đa 24 tháng), người điều khiển phương tiện đã có sự thay đổi về nhận thức, hành vi điều khiển phương tiện và hình thành thói quen đã uống rượu, bia không lái xe tham gia giao thông.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Thanh Hóa, cho biết: “Bám sát thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn, Công an thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện, máy đo nồng độ cồn và thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát và xử lý trên các tuyến phố chính, các khu tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu... Theo đó, trong thời gian 15 ngày ra quân (từ 8 đến 22-2), lực lượng chức năng Công an thành phố đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát, xử lý và tuyên truyền, ý thức của người tham gia giao thông đã có chuyển biến rõ nét, vi phạm nồng độ cồn đã giảm rất sâu so với thời gian liền kề”.

Qua kiểm tra thực tế trên các tuyến, địa bàn cho thấy, số lượng phương tiện vi phạm về nồng độ cồn đã giảm đáng kể, nhiều địa điểm quán bar, nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi, giải trí giảm cơ bản số lượng người, phương tiện đến sử dụng bia, rượu. Trong thời gian 15 ngày (từ 15-2 đến 2-3), lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh cùng với tổ công tác của Cục C08 Bộ Công an đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản về nồng độ cồn 1.124 trường hợp, phạt tiền hơn 4 tỷ đồng (trong đó có 97 xe ô tô; 1.024 xe mô tô; 2 xe đạp điện và 1 trường hợp phương tiện khác). Các phương tiện vi phạm nồng độ cồn đều bị tạm giữ xe 7 ngày, người điều khiển bị tước giấy phép lái xe theo đúng quy định. Đặc biệt, đã đề nghị và gửi thông báo đến cơ quan, chi bộ đối với 52 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định.

Với quyết tâm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các tuyến, địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo đảm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khong-co-vung-cam-ngoai-le-trong-xu-ly-vi-pham-nong-do-con/182697.htm