Không còn cảnh 'vừa ngồi xuống đã đi về' vì hàng quán mở sau 21h

Khác với vẻ yên ắng những ngày trước đó, khoảng 22h30, các quán ăn, cà phê, quán rượu trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) vẫn sáng đèn, nhộn nhịp khách qua lại.

Vừa điều phối, hướng dẫn khách, anh Xuân Trường, quản lý một quán cà phê trên con phố, vừa chia sẻ với Zing bằng giọng hào hứng: “Hôm qua tôi nghe tin thấy rất vui và bất ngờ. Hy vọng tình hình kinh doanh từ nay sẽ sớm có nhiều khởi sắc”.

Từ ngày 15/3, Hà Nội chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống hoạt động bình thường, với yêu cầu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Vui vẻ, hào hứng cũng là tâm trạng chung không chỉ của các chủ kinh doanh mà còn của khách khi hàng quán không còn phải đóng cửa trước 21h.

Đối với chủ quán, việc kinh doanh sẽ được trở lại nhịp bình thường, còn người dùng dịch vụ không phải thấp thỏm, lo về giờ đóng cửa mỗi khi ăn uống bên ngoài.

Không gian bên trong và ngoài sân của quán anh Trường vẫn nhộn nhịp lúc 23h.

Không gian bên trong và ngoài sân của quán anh Trường vẫn nhộn nhịp lúc 23h.

Tin vui

Kinh doanh theo mô hình mở cửa 24/7, từ khi phải rút ngắn thời gian hoạt động theo quy định chống dịch của thành phố, quán cà phê nơi anh Xuân Trường làm việc bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, doanh thu chỉ còn khoảng 30% so với trước.

“Đây là khu phố ăn chơi về đêm, khách chủ yếu đổ về từ khoảng 20h chứ ban ngày chẳng có bao nhiêu. Thời gian qua, chúng tôi phải cắt giảm nhân sự bảo vệ vì việc kinh doanh khó khăn. Sau Tết Nguyên đán, mọi thứ khá khẩm hơn một chút thì vừa rồi giá xăng dầu lại tăng kéo theo tiền nguyên vật liệu đội lên. Vì vậy khi nghe tin vào tối 15/3, tôi mừng lắm”.

Ngay trong ngày 15/3, quán đã kéo dài thời gian mở cửa đến 3h sáng và hoạt động trở lại 24/24 từ 16/3. Vì nhân viên đều làm việc toàn thời gian, anh Trường cho biết quán không gặp quá nhiều khó khăn trong việc điều động lại nhân sự.

“Thời tiết bắt đầu ấm hơn, cùng với việc mở cửa lại du lịch, tôi hy vọng lượng khách quốc tế cũng như nội địa của quán sẽ trở lại như trước”.

 Nếu tình hình dịch bệnh ổn định hơn, ông Han sẽ kéo dài thời gian mở cửa đến 2h sáng.

Nếu tình hình dịch bệnh ổn định hơn, ông Han sẽ kéo dài thời gian mở cửa đến 2h sáng.

Kinh doanh quán gà rán, bia phong cách rooftop trên đường Trần Kim Xuyến (quận Cầu Giấy), ông Han Chang-hi (54 tuổi, người Hàn Quốc) cũng xem việc được mở cửa sau 21h là cơ hội phục hồi doanh thu bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

“Trước khi dịch bùng phát, quán thường mở cửa đến 22h. Hiện, có lẽ tôi sẽ xem xét tình hình rồi kéo dài dần thời gian phục vụ, lên 22h, 0h rồi ổn định hơn sẽ là 2h sáng. Từ 0h trở đi, không còn nhiều quán nhậu hoạt động nên tôi nghĩ sẽ thu hút được một lượng khách trẻ nếu mở lâu hơn, đặc biệt với không gian sân thượng thoáng mát như thế này”, ông chia sẻ.

“Các nguyên liệu như sốt, bột tẩm ướp chúng tôi đều nhập từ Hàn Quốc. Trong thời gian tới, tôi cũng hy vọng tình hình sẽ ngày càng ổn định để cả việc kinh doanh trở lại bình thường”.

Đối với anh Thành Đạt, quản lý quán cà phê trên đường Kim Mã (quận Ba Đình), việc không còn “giờ giới nghiêm” là một tin vui song không vì thế mà các hàng kinh doanh có thể “thở phào”, thả cửa.

 Quán cà phê do anh Đạt quản lý từng gặp khó trong việc phân chia nhân sự khi nhiều nhân viên trở thành F0.

Quán cà phê do anh Đạt quản lý từng gặp khó trong việc phân chia nhân sự khi nhiều nhân viên trở thành F0.

“Chúng tôi phải suy nghĩ làm sao tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch, 5K tại quán một cách hiệu quả khi điều chỉnh lại giờ mở cửa như cũ. Thời gian qua, quán liên tục khử khuẩn, sát khuẩn tay và yêu cầu khách khai báo khi tới, bàn ghế cũng xếp cách nhau để đảm bảo giãn cách”.

Khai trương vào tháng 10/2021, quán chung cảnh ngộ khó khăn với nhiều đơn vị kinh doanh khác khi thường xuyên phải đóng/mở hoặc hạn chế phương thức hoạt động theo quy định. Anh Thành Đạt hy vọng với thông báo mới nhất của thành phố, việc kinh doanh sẽ đi vào quỹ đạo và ổn định hơn.

“Sắp tới, nếu tình hình dịch ổn định, chúng tôi sẽ xem xét tổ chức một số sự kiện, chương trình để thu hút khách như ca nhạc”, anh chia sẻ.

Thong thả, thoải mái hơn

Buổi đi chơi tối 16/3 có phần thoải mái hơn đối với cặp bạn thân Hoa và Hạnh (đều 28 tuổi). Họ không cần kiểm tra điện thoại liên tục và ước chừng xem còn bao nhiêu phút nữa được ngồi với nhau, hoặc “vắt óc” tìm địa điểm khác có thể ngồi tâm sự sau 21h.

Thay vào đó, hai cô gái vẫn có thể vui vẻ trò chuyện ở quán cà phê vào lúc 22h30. Ngoài việc ưu tiên địa điểm nằm giữa hai nhà, Hoa cũng muốn thử không gian quán mới mẻ được trang trí dựa trên bộ phim cô yêu thích.

“Chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi có chỗ ngồi đàng hoàng. Từ giờ, không còn cảnh chúng tôi vội vã rời đi sau 21h và lê la ngoài vỉa hè để nói nốt câu chuyện”, Hoa, nhân viên thiết kế đồ họa, chia sẻ.

 Hoa (trái) và Hạnh không phải lo tìm địa điểm khác sau 21h.

Hoa (trái) và Hạnh không phải lo tìm địa điểm khác sau 21h.

Trước đó, những cuộc đi chơi của cặp bạn thân thường bị gián đoạn bởi lời nhắc nhở đến giờ đóng cửa quán từ nhân viên.

“Nhiều khi, chúng tôi đành phải cố gắng đi chơi sớm để được ngồi lâu hơn, hoặc tâm sự luôn tại quán ăn, không đi cà phê sau đó nữa”, Hạnh, nhân viên hành chính, nói với Zing.

Nguyễn Thanh Phong (23 tuổi, Hà Nội) và nhóm bạn thân 7 năm cũng có chung cảm xúc. Mới tuần trước, cả nhóm mới hẹn nhau tại một quán cà phê. Thế nhưng, vừa bước vào và gọi đồ uống được không lâu, họ lập tức phải rời đi vì đến giờ đóng cửa.

Giờ đây, cuộc trò chuyện của nhóm được kéo dài hơn, không còn cảnh “vừa ngồi xuống đã phải đứng dậy” và gấp gáp, vội vã rời đi.

“Có những hôm, tôi chuyển sang đi cà phê sáng hoặc chiều - điều chưa từng thực hiện trước đó bao giờ. Cuộc hẹn ăn tối cũng điều chỉnh lên lúc 17h để 19h có thể ngồi cà phê và ra về lúc 21h”, Thanh Phong chia sẻ.

Tuy nhiên, việc xăng tăng giá trở thành vấn đề mới đối với nhóm bạn trẻ. Họ cảm thấy bị giới hạn các lựa chọn địa điểm tụ tập hơn.

“Chúng tôi ưu tiên những quán gần khu vực sinh sống của đa số thành viên trong nhóm, chẳng hạn quận Ba Đình. Ai ở xa quá đành phải cố gắng thôi, một người vì mọi người”, anh nói thêm.

 Thanh Phong (bên phải, áo hồng) và nhóm bạn ngồi cà phê, trò chuyện tới 22h30.

Thanh Phong (bên phải, áo hồng) và nhóm bạn ngồi cà phê, trò chuyện tới 22h30.

Còn với cặp Vân (21 tuổi) và Dũng (25 tuổi), thành phố bỏ quy định hàng quán đóng cửa lúc 21h đồng nghĩa với việc họ có nhiều lựa chọn ăn, uống sau giờ tan làm hơn.

21h10, họ ghé qua quán chè trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) để thưởng thức món ăn vặt ngọt này trước khi trở về nhà.

“Thông thường, chúng tôi đi học, đi làm về cũng đã khá muộn, sau 21h lại không còn nhiều hàng quán mở. Hiện chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn, ngồi ăn uống cũng thoải mái hơn, không phải vội vàng”, Vân chia sẻ.

Mặc dù gặp một số bất tiện nhất định, Dũng không cảm thấy việc gỡ bỏ quy định là quá muộn.

“Theo tôi, việc gỡ quy định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh mà mình khó có thể đánh giá được. Ngoài ra, dù hàng quán đóng cửa sau 21h, tôi vẫn được ra đường đi lại nên không thấy khó khăn lắm”, anh nói.

Ngày 15/3, UBND Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường. Quy định đóng cửa trước 21h được bãi bỏ.

Tuy nhiên, thành phố đặt ra yêu cầu các cơ sở này phải đảm bảo thực hiện 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Ánh Hoàng - Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-con-canh-vua-ngoi-xuong-da-di-ve-vi-hang-quan-mo-sau-21h-post1303117.html