Không còn chuyện đuổi học 1 năm

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh đang được Bộ GD&ĐT ban hành để lấy ý kiến đã có những sự điều chỉnh mang tính tích cực khiến dư luận ủng hộ.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông để xin ý kiến góp ý đến hết ngày 31-10 trước khi ban hành chính thức. Dự thảo này sẽ thay thế cho Thông tư 08 được ban hành từ hơn 30 năm trước, năm 1988.

Không còn bêu trước lớp, trước trường

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, bày tỏ: “Tôi hoan nghênh tinh thần cơ bản của dự thảo này, đặc biệt là những điểm mới so với quy định hiện hành. Mục đích của khen thưởng là tạo động lực cho HS phát huy hơn nữa phẩm chất và năng lực. Mục đích của kỷ luật là phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi không nên, không phải của HS. Từ mục đích có tính giáo dục trên, các hình thức khen thưởng, kỷ luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng”.

Theo thầy Khang, hình thức kỷ luật đã có những điểm mới đáng lưu ý. Vẫn có hình thức khiển trách, cảnh cáo nhưng không “bêu” trước lớp, trước toàn trường như bấy lâu vẫn làm. Thời đại 4.0, nếu cảnh cáo trước toàn trường sẽ là cảnh cáo “trước toàn thế giới”. Học trò mắc lỗi bị áp lực nặng nề, khó có thể vươn lên.

Hơn nữa, hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp đã thay thế cho cụm từ đuổi học thường dùng hiện nay. Thời hạn tạm dừng học tập trên lớp tối đa hai tuần, không như hiện nay có thể cả năm học. Hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc tạm dừng học tập trên lớp không áp dụng đối với HS tiểu học, tức là không áp dụng với trẻ em.

Với biện pháp giáo dục HS vi phạm kỷ luật, lần này yêu cầu nhà trường, giáo viên tăng cường giáo dục nhiều hơn, có nhiều nội dung cụ thể, kiên trì hơn trong việc giúp HS sửa lỗi.

Băn khoăn “tạm dừng học tập 2 tuần”

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Thông tư 08 được ban hành từ năm 1988 đến nay đã hơn 30 năm. Thông tư này đã có hiệu quả, tác dụng nhất định, tuy nhiên đến thời điểm này có những điều không còn phù hợp, cần điều chỉnh.

“Trong dự thảo lần này không còn hình thức đuổi học một năm. Tôi ủng hộ điều đó vì việc đuổi HS là không phù hợp. HS là tuổi cắp sách đến trường. Các cháu nhiều khi có cử chỉ, hành động, lời nói không đúng chuẩn, cần phải giáo dục. Nếu đuổi học thì vô hình trung nhà trường đuổi các em ra khỏi môi trường giáo dục. Đó là hình phạt nặng, thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục các em” - ông Ngai nói.

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Ngai băn khoăn là hình thức tạm dừng học tập hai tuần. Bởi dù HS có vi phạm thì việc đẩy các em ra khỏi trường sẽ khiến các em không tiếp cận kiến thức, khi trở lại các em cũng không theo kịp được bạn bè. “Do đó, hình thức này không có lợi trong công tác giáo dục nói chung và chính bản thân HS bị xử phạt nói riêng” - nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Ngai, khi HS vi phạm, điều quan trọng nhất đối với người có trách nhiệm là tìm hiểu nguyên nhân sai phạm để từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp để các em nhận ra cái sai và không bao giờ tái phạm.

“Do đó, tốt nhất không nên sử dụng hình thức này, nếu có nên chăng chỉ đình chỉ trong ba ngày, nhiều ngày quá các cháu không tiếp cận được kiến thức sẽ dễ nản chí” - ông Ngai nói thêm.

Đồng quan điểm, cô Bùi Lan Anh, giáo viên Trường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, cho rằng cô cũng đắn đo về hình thức tạm dừng học tập hai tuần đối với HS.

“Nếu nghỉ học hai tuần, việc học của các con bị gián đoạn. Các con khi quay lại trường học sẽ có tâm lý chán chường do theo không kịp bạn bè. Trường hợp xấu hơn, khi con ở nhà hai tuần có thể sa vào những thú vui vô bổ” - cô Lan Anh nói.

“Biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực” là một khái niệm mới rất đáng được lưu ý. Trong đó có việc tổ chức tư vấn tâm lý cho HS mắc khuyết điểm là một điểm mới.

Chúng ta thường nóng vội, dựa vào hành vi của HS để kết luận chủ quan về sự việc. Nếu có điều kiện tìm hiểu sâu xa hoàn cảnh và nội tâm của học trò mắc lỗi sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề, giúp học trò sửa được lỗi lầm bền vững hơn. Việc tư vấn tâm lý cho HS “có vấn đề”, không chỉ với HS phạm lỗi, sẽ góp phần “phòng ngừa và ngăn chặn” những lỗi lầm có thể xảy ra trong HS.

Ông NGUYỄN XUÂN KHANG, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội

Cần tách riêng từng bậc học

Đánh giá chung về dự thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, TP.HCM, cho hay dự thảo thông tư cần phải tách riêng từng bậc học. Bởi mức độ vi phạm ở từng lứa tuổi rất khác nhau, do đó khi gộp chung không phù hợp. Trong khi đó, bậc tiểu học chủ yếu khen thưởng, còn kỷ luật rất ít.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh cũng cho hay theo dự thảo, quy trình xét khen thưởng, kỷ luật rất mất thời gian. Làm sao phải cải cách hành chính trong khen thưởng và kỷ luật để mọi việc trở nên ngắn gọn, đơn giản.

“Việc khen thưởng trong nhà trường nên chăng giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quy định khen thưởng, đánh giá xếp loại HS do Bộ GD&ĐT quy định để đề xuất nhà trường khen thưởng cho HS, không cần thiết phải thông qua hội đồng thi đua. Bởi mục đích của khen thưởng là động viên HS, tạo động lực để các em cố gắng phấn đấu” - ông Hùng nói thêm.

Riêng về hình thức kỷ luật, mức độ xử lý kỷ luật nặng nhất theo dự thảo là tạm dừng học tập. Về vấn đề này, ông Hùng cho biết hình thức này không nên quy định cụ thể thời gian bao lâu.

“Việc tạm dừng học tập đối với HS vi phạm nên do hội đồng kỷ luật của nhà trường xem xét và ra quyết định thời gian bao lâu sẽ hợp lý hơn. Bởi đây là hình phạt bất khả kháng” - ông Hùng nói thêm.

Khen thưởng thiết thực, kỷ luật tích cực

Trong dự thảo đã bỏ các nội dung kỷ luật đuổi học một năm vì nó nặng nề khi xử lý vi phạm với HS. Các hình thức kỷ luật nặng này chưa hướng tới mục đích để HS tự giác nhận thức khuyết điểm và có cơ hội khắc phục, sửa chữa.

Qua thời gian lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT ghi nhận nhiều ý kiến phản đối quanh hình thức khiển trách, cảnh cáo HS trước lớp, trước toàn trường, do đó trong dự thảo thông tư mới hình thức kỷ luật này được xóa bỏ. Thay vào đó, HS vi phạm nội quy nhà trường sẽ được nhắc nhở, phê bình riêng.

Cũng trong dự thảo thông tư mới, Bộ GD&ĐT hướng đến những cách kỷ luật tích cực hơn, tập trung uốn nắn tâm lý HS để các em hiểu ra vấn đề.

Tại dự thảo thông tư, mức kỷ luật cao nhất chỉ là tạm đình chỉ học tập đối với HS vi phạm, tối đa là hai tuần. Đây là hình thức tích cực, khắc phục những bất cập của Thông tư 08.

Các hình thức khen thưởng trong dự thảo thông tư mới cũng mang tính thiết thực hơn, không ủng hộ khen thưởng tràn lan như trước.

Ông BÙI VĂN LINH, Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV của Bộ GD&ĐT

Hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh:

Thông tư 08 năm 1988, đang có hiệu lực, quy định khen thưởng như sau:

1. Khen trước lớp: Riêng đối với HS các lớp cấp I, ngoài hình thức khen trước lớp còn hai hình thức khen thưởng sau đây: Thưởng phiếu khen và ghi tên vào bảng danh dự của lớp.

2. Khen trước toàn trường.

3. Danh hiệu HS khá.

4. Danh hiệu HS giỏi.

5. Ghi tên vào bảng danh dự của trường.

6. Danh hiệu HS xuất sắc.

7. Được khen thưởng đặc biệt.

Dự thảo mới chỉ tuyên dương trước lớp, trước toàn trường, tặng giấy khen. Và các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng HS. Về kỷ luật HS, Thông tư 08 có các hình thức: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần, đuổi học một năm.

Dự thảo mới chỉ còn ba hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tối đa hai tuần để giáo dục riêng.

NGUYỄN QUYÊN - HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-con-chuyen-duoi-hoc-1-nam-937651.html