Không còn Công an cấp huyện, người dân tố giác tội phạm ở đâu?
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Công an, từ ngày 1/3/2025, Công an địa phương sẽ chỉ còn Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã. Khi không còn Công an cấp huyện, người dân sẽ tố giác tội phạm ở đâu và bằng cách nào?

Công an Phường 6 (TP Cao Lãnh) tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, ngoài các cơ quan điều tra cấp Bộ, tại địa phương, các đơn vị, cơ quan Công an tiếp nhận tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố bao gồm: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.
Thượng tá Phạm Văn Huệ - Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, cho biết: “Về thẩm quyền, hiện nay, Công an tỉnh tiếp nhận tin báo những vụ việc rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đối với cấp xã, sẽ tiếp nhận tin báo đối với các vụ việc ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Theo hướng dẫn của Bộ Công an, người dân có thể trực tiếp đến trực ban hình sự của Công an các cấp, hoặc điện thoại qua đường dây nóng. Ngoài ra, người dân, tổ chức có thể gửi đơn tố giác bằng văn bản qua đường bưu chính, qua ứng dụng VNeID.
Cơ quan điều tra của Công an các cấp luôn tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt trong trường hợp đang có quyết định truy nã, các trường hợp phạm tội quả tang; tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án hình sự do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến.
Khi tố giác tội phạm, người dân, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp thông tin chính xác, trung thực về vụ việc và hơn hết là trình bày rõ ràng sự việc, đúng sự thật. Ngoài ra, có quyền yêu cầu giữ bí mật và được thông báo kết quả giải quyết cũng như có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết.
Thượng tá Phạm Văn Huệ - Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, khẳng định: “Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra là nơi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm sẽ tham mưu Ban Giám đốc xây dựng kế hoạch kiểm tra tin báo tố giác tội phạm cũng như tin báo về tình hình an ninh, trật tự trên các địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là lực lượng Công an cấp xã để hướng dẫn lực lượng này thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Việc không còn Công an cấp huyện không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc tố giác tội phạm. Do đó, người dân có thể lựa chọn nhiều hình thức tố giác khác nhau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.