Không còn là giấc mơ
Là trái tim của trường học, thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc, khám phá tri thức của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Trong bối cảnh hướng đến nền giáo dục 4.0, việc phát triển hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại là cần thiết để đáp ứng mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Với tầm nhìn phát triển thành phố thông minh, TPHCM có kế hoạch đầu tư xây dựng thí điểm mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại tại 17 trường phổ thông. Đây là một trong hai dự án trọng điểm đã được Thường trực UBND TPHCM giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, thư viện tiên tiến, hiện đại đầu tiên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động. Dự kiến từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình này ở các trường học trên địa bàn.
Bên cạnh những kệ sách truyền thống, không thể thiếu cơ sở vật chất và tài nguyên thời đại số như hệ thống máy chủ và máy tính để tra cứu dữ liệu, các đầu sách điện tử, tập tin phim, ảnh, sách nói... Thư viện tiên tiến hiện đại cũng đồng thời phải có chức năng tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS (Learning Management System) giúp giáo viên xây dựng kho bài giảng đã được số hóa và các phần mềm thực tế ảo hỗ trợ cho quá trình học tập, nghiên cứu…
Muốn đầu tư xây dựng một thư viện với những phác họa như trên, kinh phí là một bài toán khó. Theo ước tính của các chuyên gia, số tiền đầu tư cho một thư viện tiên tiến hiện đại cũng khoảng 10 - 15 tỷ đồng. Con số không nhỏ nên ngân sách khó có thể kham nổi.
Là đơn vị có thư viện đầu tiên được xây dựng theo mô hình tiên tiến, hiện đại, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện đầu tư theo hình thức xã hội hóa, phụ huynh đóng góp, ngân sách TP trả lãi vay. Những gì liên quan đến huy động xã hội hóa đều có những mặt nhạy cảm của nó. Theo ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh vẫn mang tâm lý e dè khi được vận động đóng góp. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: "Con tôi được thụ hưởng gì từ thư viện thông minh?".
Thực tế, đầu tư thư viện tiên tiến hiện đại không chỉ giúp nhà trường thay đổi cách dạy và học từ bên trong, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền giáo dục tại những đô thị thông minh. Như ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, việc nhà trường áp dụng hai mô hình "lớp học trong thư viện" (học sinh đến học trực tiếp tại thư viện) và "thư viện trong lớp học" (phủ sóng wifi toàn trường để học sinh ngồi trong lớp học có thể truy cập kho tài nguyên học liệu của nhà trường), đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thư viện tiên tiến hiện đại không còn là giấc mơ xa, nhưng để có thể nhân rộng nó, cũng không phải là gần, bởi tình hình kinh tế - xã hội các địa phương khác nhau, giáo dục vẫn còn nhiều thứ cần ưu tiên khác như xây trường mở lớp… Tuy vậy, nếu có quyết tâm, lộ trình và phương pháp, trái tim trường học chắc chắn sẽ được hiện đại hóa ở một số nơi có điều kiện.
Song song với việc tận dụng tối đa nguồn lực và tiết kiệm chi phí, muốn phát triển thư viện tiên tiến, hiện đại không thể thiếu sự vào cuộc của lãnh đạo ngành, địa phương, người đứng đầu nhà trường, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Khi phụ huynh, xã hội hiểu thế nào là đổi mới giáo dục, thấy với mô hình thư viện mới, học sinh được lợi gì, biết đồng tiền mình chung sức chia sẻ sử dụng hiệu quả ra sao, thì "khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-con-la-giac-mo-20200704100021083.html