Không còn lời ru buồn giữa đại ngàn Trường Sơn

Trước đây, cuộc sống đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Bình thiếu ăn thiếu mặc, nhiều hủ tục lạc hậu. Có một người phụ nữ đã dũng cảm đấu tranh 'giải phóng' cho người phụ nữ vùng cao phá bỏ hủ tục lạc hậu. Từ đây, những lời ru giữa đại ngàn Trường Sơn không còn buồn bã như trước.

Trong ngôi nhà khang trang ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, người phụ nữ Vân Kiều Hồ Thị Con kể lại câu chuyện phá bỏ hủ tục, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan. Bà Hồ Thị Con là nạn nhân của hủ tục “nối dây” của đồng bào Vân Kiều sống dưới dãy Trường Sơn. Nhưng cũng chính bà đã vượt qua, phá bỏ lời nguyền hủ tục để có cuộc sống tươi vui. Cũng từ đó, bà vận động mọi người cùng nhau từ bỏ những hủ tục đang kìm hãm sự phát triển.

Hủ tục “nối dây” là một luật tục tồn tại lâu đời trong cộng đồng người Vân Kiều. “Nối dây” là kiểu hôn nhân mà khi người chồng hoặc vợ qua đời, người còn lại muốn tái hôn buộc phải lấy một người trong gia đình vợ hoặc chồng, có thể là em gái vợ, em trai chồng. Mặc cho người nối dây có thể còn rất nhỏ tuổi hay đã già, nếu không, người chồng hoặc vợ góa đó phải về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được phép mang theo con cái.

Bà Hồ Thị Con là người tiên phong xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của người đồng bào Vân Kiều

Bà Hồ Thị Con là người tiên phong xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của người đồng bào Vân Kiều

Năm 2001, chồng bà Hồ Thị Con qua đời vì bệnh nặng. Bà thành góa phụ ở tuổi 43 với đàn con nheo nhóc. Một năm sau, theo phong tục của đồng bào Bru - Vân Kiều, gia đình bên chồng đánh tiếng đưa bà về làm vợ hai của em trai ruột chồng bà, kém bà 14 tuổi. Bà Hồ Thị Con không đồng ý. Vì cự tuyệt, bà bị mọi người đe nẹt, họ hàng xa lánh, đưa ra các hình phạt nhiều con trâu, con bò để cúng thần, cúng ma.

Năm 2002, bà Hồ Thị Con đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, được cán bộ xã động viên không nên theo tục lệ cũ. Bà trằn trọc nhiều đêm, nghĩ rằng bản thân là đảng viên, nếu theo hủ tục thì vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu thế thì sau này, khi tuyên truyền, vận động bà con bản làng về chính sách, pháp luật thì sẽ không ai nghe. Cuối cùng, bà xin ra khỏi họ để thoát khỏi hủ tục “nối dây” và ở vậy nuôi con, thờ chồng.

Cũng từ đó, dân bản xa lánh bà, bố chồng bà đã trốn cả tháng trên rẫy vì sợ tai họa ập xuống gia đình do làm trái ý Giàng. Bà Hồ Thị Con là người đầu tiên vượt qua hủ tục lạc hậu của đồng bào Vân Kiều và vận động mọi người cùng bãi bỏ tập tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay.

“Có người nói rằng, tại sao mình lại bãi bỏ vì phong tục này đã có từ xưa. Nhưng tôi nói rằng, tôi làm là tôi biết người xưa đã sai. Bản thân tôi nghĩ, tục lệ ngày xưa đã lạc hậu nên đừng có để lại cho con cái sau này phải chịu khổ. Hiện tại, nam nữ bình quyền và tục nối dây này bãi bỏ được, 90% đồng bào ở đây đã bỏ tục này rồi”, bà Hồ Thị Con nói.

Bộ đội Biên phòng Làng Mô luôn đồng hành cùng đồng bào, tuyên truyền vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Bộ đội Biên phòng Làng Mô luôn đồng hành cùng đồng bào, tuyên truyền vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Sau khi bỏ tục “nối dây”, bà Hồ Thị Con mạnh dạn nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, lập vườn đồi trồng cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, chăn nuôi, đời sống của gia đình bà từng bước được nâng lên. Từ năm 1999 đến 2004, bà Hồ Thị Con được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình. Từ năm 2005-2011, bà là đại biểu HĐND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Không chỉ có công vận động bà con xóa bỏ hủ tục “nối dây”, bà Hồ Thị Con còn tuyên truyền về quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ, giúp những người phụ nữ Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn không còn bó buộc trong những hủ tục lạc hậu. Họ được “giải phóng” khỏi những khắt khe của tục lệ và được giao lưu với nhau, hội họp ca hát trong những dịp lễ hội. Cuộc sống của bà con Vân Kiều ở xã Trường Sơn trở nên vui tươi hơn, mọi người cùng nhau vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Nguyên, Trưởng bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, với suy nghĩ “mình làm được thì hướng dẫn bà con dân bản cùng làm theo để thoát nghèo”, bà Hồ Thị Con đã kiên trì vận động bà con dân bản không phá rừng. Ông Hồ Văn Nguyên khẳng định, bà Hồ Thị Con xứng đáng đại diện cho bà con dân tộc Vân Kiều xã Trường Sơn dự Hội nghị Biểu dương điển hình “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2012 và dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II năm 2014.

“Tục nối dây ngày nay đã giảm đi nhiều rồi. Bà Hồ Thị Con động viên anh em gần xa, gặp gỡ bà con tuyên truyền về việc phong tục ngày xưa đã lạc hậu rồi, chúng ta nên xóa bỏ đi”, ông Hồ Văn Nguyên cho hay.

Người Vân Kiều đã biết sử dụng máy móc để hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp

Người Vân Kiều đã biết sử dụng máy móc để hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp

Trên hành trình từ bỏ hủ tục “nối dây”, bà Hồ Thị Con không hề đơn độc. Bà đã nghiên cứu pháp luật và nghĩ rằng, dù có thế nào bà vẫn được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ Bộ đội Biên phòng Làng Mô đóng quân trên địa bàn luôn động viên, hỗ trợ việc tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục. Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết, trong những năm qua, bà Hồ Thị Con là người gương mẫu trong việc đấu tranh và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào Vân Kiều, đặc biệt vận động bà con Vân Kiều xóa bỏ hủ tục lạc hậu như tục “Nối dây”. Lực lượng đóng quân trên địa bàn đồng hành với bà Hồ Thị Con tuyên truyền cho người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục, gương mẫu xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Cũng từ đó, thói quen sản xuất của đồng bào dân tộc Vân Kiều đã được thay đổi, từ phát đốt, cốt trỉa sang định canh, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Người dân không còn sống du canh, du cư, theo dòng họ riêng lẻ mà đã hình thành các cộng đồng làng bản, con em được đến trường đông đủ.

Theo Đại úy Trần Thanh Nam, người Vân Kiều ở Trường Sơn đã biết làm kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tiếp cận các cuộc sống mới và cùng Bộ đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Quốc gia.

“Hàng tháng, chúng tôi đều có những chuyên đề tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chấm dứt hủ tục nối dây, tuyên truyền về bình đẳng giới. Bà Hồ Thị Con là người đi đầu trong xóa bỏ hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến người phụ nữ và chính bà đã bước qua dư luận, bỏ qua định kiến của người đồng bào Vân Kiều lâu nay để đứng lên bảo vệ quyền phụ nữ”, Đại úy Trần Thanh Nam cho hay.

Ngày nay, 90% người Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bỏ được tục “nối dây” lạc hậu, nạn tảo hôn cũng giảm đi rất nhiều. Trở lại Trường Sơn, có thể nghe thấy từ xa tiếng máy cày của người dân đang vỡ đất làm nương, thấy những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những căn nhà mái ngói được mọc lên. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang lan tỏa trên những bản làng lạc hậu, nghèo khó năm xưa. Trên nôi võng, tiếng người mẹ hát ru con những lời ngọt ngào, vui tươi, không còn những lời ru buồn của những người phụ nữ u sầu vì bị ràng buộc bởi những hủ tục của người xưa./.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-con-loi-ru-buon-giua-dai-ngan-truong-son-post1022653.vov